Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu vấn đề khi nhắc tới tình trạng nhập lậu lợn và các sản phẩm gia cầm vào Việt Nam hiện nay trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 1/2.
Ông Tiến cho biết, giá lợn hơi tăng từng ngày khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề. Đây là tín hiệu tích cực bởi thời gian qua giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ nặng bán hết cả nhà, sổ đỏ, xe...
Thực tế, những ngày gần đây, giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc tăng lên ngưỡng 58.000-59.000 đồng/kg. Mức giá này giúp người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ trong nhiều tháng qua, chuyển sang có lãi.
Tương tự, giá mặt hàng này ở khu vực miền Trung dao động trong khoảng từ 54.000-57.000 đồng/kg. Theo đó, những hộ nuôi nhỏ lẻ đã hòa vốn, còn nuôi ở quy mô lớn có lãi nhẹ.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng lên mức 52.000-57.000 đồng/kg.
Các chuyên gia cho rằng, giá lợn hơi tăng chủ yếu do nhu cầu thị trường Tết tăng cao. Song, giá mặt hàng này đang có xu hướng chững lại và quay đầu giảm nhẹ trong 2-3 ngày gần đây khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian qua, lợn nhập lậu đổ về Việt Nam ảnh hưởng tới giá thịt lợn trong nước. Có những đường dây buôn lậu lợn rất lớn mà truyền thông phản ánh, song hỏi tỉnh này thì lại chỉ sang tỉnh kia, lãnh đạo ngành cũng không nắm rõ.
“Là thủ trưởng của ngành thì phải đối đầu với các vấn đề nóng của ngành. Thủ trưởng ngành mà không đối đầu giải quyết vấn đề liên quan đến nhập lậu thì người dân biết dựa vào đâu”, ông Tiến nói.
Vị Thứ trưởng cho rằng, các lãnh đạo ngành phải sát sao hơn. Vừa qua, chỉ đến khi Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị ngăn chặn, phát hiện và xử lý buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam, trong đó nêu rõ hiện trạng xe heo lậu "chạy rình rình như chiến dịch" thì nhiều địa phương mới tăng cường tuần tra kiểm soát.
Trước đó, tại hội nghị của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, thừa nhận, có những đường dây buôn lậu lợn sống rất lớn. Khi chưa có "động" thì di chuyển theo biên giới tỉnh Bình Phước, nhưng giờ đã chuyển hướng sang tỉnh Tây Ninh.
“Chúng tôi đã theo dõi và xác định vị trí tiêu thụ cuối là lò mổ ở Bình Dương. Lô hàng này có 8.000 con lợn được chuyển từ Thái Lan về đến cửa khẩu Tây Ninh, sau đó đưa về Bình Dương giết mổ”, ông nói.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đang vào thời điểm cận Tết nên nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao, tình trạng lợn nhập lậu tăng đột biến.
Cụ thể, từ ngày 1-15/1, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000-7.000 con lợn từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và biên giới Tây Nam.
Hiệp hội tính toán, số lượng lợn nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày. Với giá bán chỉ trên dưới 50.000 đồng/kg lợn hơi, lợn nhập lậu khiến chăn nuôi trong nước gặp vô vàn khó khăn, người nuôi phải bán dưới giá thành sản xuất.
Vì thế, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mới đây gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT "kêu cứu".
Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ trưởng và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động sản xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu; tập trung ngăn chặn, xử lý.
Công điện nêu rõ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu còn để xảy ra tình trạng này.