Cùng với Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh là trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Trường nằm trong top 20 theo Bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education (THE) và Quacquarelli Symonds (QS) năm 2022.

{keywords}
Phạm Thị Thuỳ Dương (SN 1996) liên tiếp trúng học bổng toàn phần tại Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: NVCC

Chuyến du học bất ngờ

Thuỳ Dương là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Thăng Long (Lâm Đồng). Trong 18 năm sống tại Đà Lạt, Dương chưa từng nghĩ đến việc sẽ học tập và sống ở một quốc gia khác.

Được tuyển thẳng vào đại học, dù chưa có chuẩn bị trước, nhưng trong một lần thử gửi hồ sơ đến Ritsumeikan Asia Pacific University (Nhật Bản), Dương bất ngờ khi nhận được thông báo trúng học bổng toàn phần.

Năm 2014, Dương háo hức lên đường sang đất nước mặt trời mọc. Thế nhưng những hân hoan ban đầu nhanh chóng qua đi, Dương phải đối mặt với khó khăn về khác biệt văn hoá và áp lực học hành.

“Do đặc thù là trường quốc tế nên có nhiều sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau. Thậm chí trong nhóm bài tập của mình có 6 người đến từ 6 nước khác nhau. Đôi lúc không khí cuộc họp trở nên căng thẳng vì mình nói tiếng Anh còn các bạn nói tiếng Nhật nên không thể hiểu được nhau. Mình cũng chưa kịp làm quen với phương pháp học tập ở bậc đại học, phải tự nghiên cứu, tự tìm hiểu”.

Cố gắng khắc phục dần bằng cách tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, làm thêm các công việc khác nhau, Dương dần dần thích nghi, học cách cân bằng, lên kế hoạch học tập cụ thể.

Dù vậy, đến năm cuối đại học, Dương phân vân trước lựa chọn học lên hay đi làm sau khi tốt nghiệp. Hụt hẫng khi nhận thư từ chối hồ sơ xin học thạc sĩ vào Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nên Dương quyết định đi làm trước.

“Năm 2018, mình đi thực tập tại một công ty IT chi nhánh ở Việt Nam với hi vọng “rẽ ngang làm kinh tế”. Dù đang làm nhưng đầu óc mình lúc nào cũng nghĩ về giảng đường, về nghiên cứu,… nên không thể phát triển được cái mới cho công việc hiện tại”.

Vừa hạ quyết tâm cao đi học thạc sĩ, Dương lại nhận được lời mời từ một công ty tại Nhật với mức lương cao. Trước lời khuyên đi làm tiếp của mọi người, Dương từ chối công việc như mơ, chọn gap year 1 năm. Dương trở về nhà để tập trung viết bài luận, suy nghĩ về định hướng nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ xin học bổng.

Sau thời gian kiên trì chờ đợi, cuối năm 2019, Dương nhận được học bổng toàn phần bậc thạc sĩ chuyên ngành Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Yenching Academy của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.

Nói về lý do chọn Trung Quốc chứ không phải châu u hay Mỹ, Úc, Dương chia sẻ bản thân có mối quan tâm học thuật đặc biệt với Trung Quốc. Và hướng nghiên cứu của Dương về Quan hệ quốc tế - Chính trị khu vực Đông Á – Đông Nam Á, cụ thể là vai trò của Trung Quốc đối với các nước khác.

Tốt nghiệp xuất sắc ở ngôi trường toàn ‘học bá’

Từng có kinh nghiệm học tập trong môi trường đa văn hoá, Dương nhanh chóng bắt nhịp khi sang Trung Quốc. Dù vậy, cô gái Đà Lạt vẫn bị choáng ngợp bởi trong lớp hội tụ những sinh viên có thành tích vô cùng xuất sắc (thường được giới trẻ Trung Quốc gọi là 'học bá').

Bên cạnh đó, chương trình học ở trường đại học danh tiếng Trung Quốc khá “nặng”, đòi hỏi kỹ năng nghiên cứu tốt. 

“Khoá của mình chỉ có khoảng 100 bạn, trừ những môn cơ sở thì mỗi lớp học tối đa chỉ 15 – 10 người. Xung quanh mình toàn người xuất sắc, đến từ những ngôi trường nổi tiếng như Harvard, Yale, Princeton,… nên khá áp lực. Để sớm hoà nhập mình phải học cách lên tiếng, đưa ra quan điểm cá nhân và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác cùng các bạn”, Dương kể.

Một điểm đặc biệt trong chương trình học là ngoài những môn chuyên ngành, trường khuyến khích sinh viên nghiên cứu liên ngành hay học thêm các môn khác về lịch sử, kinh tế để phát triển góc nhìn đa chiều. Tuy nhiên, môn học “khó nhằn” nhất theo Dương là Triết học Trung Hoa. Trước kho tàng kiến thức mênh mông, cách học của Dương là đặt câu hỏi tạo mối liên hệ giữa mỗi chủ đề và đề tài nghiên cứu.

“Tò mò tìm câu trả lời buộc mình phải đọc thêm sách, tự tìm hiểu và khoanh vùng tiếp thu kiến thức dễ hơn. Đối với chủ đề khô khan, mình thường học nhóm cùng các bạn để trao đổi, tranh luận trên nhiều góc độ một cách hứng thú”.

{keywords}
Thùy Dương tốt nghiệp ở Peking University, trường đại học danh giá nhất, nhì Trung Quốc, nơi có rất nhiều sinh viên xuất sắc (thường được gọi là 'học bá') theo học. Ảnh: NVCC

Sau một thời gian học tập, điều Dương thích nhất là trường luôn ủng hộ, tạo điều kiện để sinh viên phát triển nhiều đề tài nghiên cứu. Trường cũng tổ chức nhiều chuyến đi thực địa để sinh viên khảo sát tính thực tiễn của mỗi đề tài.

Chẳng hạn khi làm đề tài về người nhập cư tại Trung Quốc, Dương được tới Quảng Châu trực tiếp trò chuyện, phỏng vấn người châu Phi sinh sống và làm việc tại đây. Những chuyến đi này giúp Dương hình thành thói quen tư duy và gắn mọi nghiên cứu của mình với thực tế.

Đối với Dương, năm 2020 là khoảng thời gian bận rộn nhất khi vừa tham gia trợ giảng cho giáo sư tại Mỹ, vừa chuẩn bị hồ sơ xin học tiến sĩ và hoàn thành luận án.

Một lần nữa, điều bất ngờ đến với Dương khi nhận được thư chấp thuận trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California, San Diego (Mỹ) với mức hỗ trợ tài chính hơn 290.000 USD/5 năm và học bổng toàn phần tại Đại học British Columbia (Canada) khi chưa tốt nghiệp.

Tháng 7/2021, với nhiều thành tích ấn tượng về nghiên cứu, Dương nhận tấm bằng thạc sĩ xuất sắc với số điểm GPA 3.96/4, chính thức khép lại hành trình tại ngôi trường danh tiếng bậc nhất ở Trung Quốc.

“Mỗi đất nước sẽ mang lại cho mình những trải nghiệm khác nhau, càng học càng thấy mình biết ít đi”, Dương chia sẻ. Dương cho biết cô sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê học thuật để thực hiện ước mơ trở thành một giáo sư ngành Quan hệ quốc tế.

Ngọc Linh

Cô gái Cao Bằng từ Thụy Sĩ đến ‘Cambridge Trung Quốc’

Cô gái Cao Bằng từ Thụy Sĩ đến ‘Cambridge Trung Quốc’

Doanh Thị Kim Ngân, 26 tuổi, sinh ra và lớn lên tại TP. Cao Bằng vừa giành học bổng thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) sau 2 năm đi làm.