Đưa mật hoa dừa ra chợ thế giới
Đứng bên chiếc bàn bày rất nhiều sản phẩm được làm từ mật hoa dừa, cô gái Trà Vinh Thạch Thị Chal Thy giới thiệu cặn kẽ từng sản phẩm nước uống mật hoa dừa, giấm mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, đường hoa dừa, hạt ca cao mật hoa dừa và mật hoa dừa cô đặc.
Từ mật hoa dừa, mỗi năm Chal Thy định hướng phát triển thêm 1-2 sản phẩm mới để tung ra thị trường. Trong 10 tháng tới, cô sẽ cho ra sản phẩm nước tương từ mật hoa dừa.
Chal Thy kể, sau khi hoàn tất chương trình thạc sĩ công nghệ thực phẩm, cô dự định ở lại TP.HCM làm việc. Hồi đó, mỗi lần về quê hương Trà Vinh, cô thấy quả dừa mọc mầm không ai mua, hoặc giá rất thấp, 1.200 trái chỉ bán được 2 triệu đồng. Có nghĩa, người nông dân trồng dừa không đủ chi tiêu.
Ba mẹ cô làm lúa không trúng mới chuyển sang trồng dừa, nhưng dừa có trái cũng không ai mua.
“Mình nghĩ học cũng nhiều rồi, đây chính là lúc phải quay trở lại quê hương làm gì đó để giúp đỡ ba mẹ và bà con nông dân sống được cùng cây dừa”, Chal Thy nói. Khi tìm kiếm sự trùng khớp văn hóa giữa các “vương quốc dừa” theo dòng thời gian, chứng kiến cách khai thác mật hoa dừa của nhiều nước, cô muốn mật hoa dừa sống lại ngay trên mảnh đất quê Trà Vinh, gắn với giá trị văn hóa cội nguồn Khmer.
Chal Thy cùng chồng là Phạm Đình Ngãi quyết định trở về quê hương. Năm 2018, bắt đầu từ mật hoa dừa, vợ chồng cô bắt đầu bắt đầu khởi nghiệp, lập nông trại hạnh phúc Sokfarm.
Cô nghĩ, nếu thành công nghiên cứu ra các sản phẩm từ mật hoa dừa rồi đưa ra thị trường tiêu thụ, lúc đó không chỉ có ba mẹ mà người nông dân quê mình cũng được hưởng lợi.
“Lúc đầu tôi không biết gì về mật hoa dừa nhưng vẫn nghiên cứu về thành phần mật hoa, về cách làm, về thị trường tiêu thụ, cách chế biến. Tôi còn qua Thái Lan để nghiên cứu thị trường, giá cả, phương pháp mua bán”. Chal Thy cho biết, nửa năm đầu tiên bị thất bại rất nhiều lần, hoa dừa không cho mật. Rồi cô học được cách vỗ, mát xa để hoa tiết ra thứ mật ngọt ngào mà mình mong muốn.
Sau đó, vợ chồng cô bắt tay vào công đoạn chế biến. Một người lo giải pháp cô đặc, một người lo thiết kế máy móc để sản xuất sản phẩm. Tháng 6/2019, họ bắt đầu xây xưởng sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa để tung ra thị trường. Đến nay, mỗi năm Sokfarm đặt mức tăng trưởng 200%.
Nhiều người hỏi Chal Thy có nản lòng khi gặp khó khăn và thất bại không, cô cười: “Thất bại nhiều, tìm thị trường vô cùng khó nhưng chưa một lần tôi có ý định sẽ buông bỏ’. Thậm chí có người còn hỏi “làm xong sẽ bán cho ai”, “có ai biết công dụng của mật hoa dừa như thế nào đâu?”.
Để tiêu thụ được sản phẩm, cô tận dụng mọi cơ hội. Đem hàng đi quảng bá, giới thiệu ở các hội chợ trong và ngoài nước, tham gia các cuộc thi khởi nghiệm sáng tạo. Mật hoa dừa là sản phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người bị bệnh huyết áp; phù hợp với những người ăn chay trường, bởi mật được khai thác từ thực vật (cây dừa). Trên thế giới, xu hướng sử dụng mật hoa dừa ngày càng tăng lên.
Chal Thy cho biết, diện tích dừa của Sokfarm là 2ha, ngoài ra còn 18ha liên kết với nông dân. Hiện có 6ha dừa cho khai thác mật với sản lượng khoảng 1,2 tấn/ngày. Trung bình mỗi tháng cô đưa 30-35 tấn mật hoa nguyên liệu đưa vào sản xuất thành nhiều sản phẩm.
Ba năm sau khởi nghiệp, sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa đã có chỗ đứng trên thị trường. Theo đó, 90% sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước, 10% còn lại được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hà Lan. Chal Thy cũng đang thương thảo để xuất khẩu qua những thị trường khác trên thế giới.
Sinh kế mới nâng cao thu nhập, thích ứng biến đổi khí hậu
Trà Vinh là vùng dừa lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Song, theo tính toán của Chal Thy, từ 7 cây dừa, nếu hái trái bán chỉ cho doanh thu 500.000 đồng, còn hiện tại giá dừa tương đối rẻ thì chỉ được 200.000 đồng. Cũng 7 cây dừa nếu khai thác mật hoa sẽ cho doanh thu 2-3 triệu đồng/tháng.
Một bông hoa dừa sẽ khai thác mật liên tục trong 25 ngày, tương đương 20-30 lít mật/hoa. Theo chu kỳ 25 ngày, một cây sẽ ra trung bình 13 hoa mỗi năm. Tính ra, trồng dừa lấy mật sẽ giúp người nông dân tăng gấp 3-4 lần so với lấy trái.
Trồng dừa lấy mật còn thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi, nếu độ mặn quá cao, cây sẽ bị rụng trái, nhưng hoa lại không hề bị ảnh hưởng.
Ngoài 35 công nhân làm việc ở xưởng sản xuất (80% là người dân tộc Khmer), Chal Thy cho biết, cô đang liên kết với 30 hộ dân trồng dừa lấy mật làm nguyên liệu chế biến sản phẩm. Khi liên kết, người nông dân sẽ được chỉ dẫn cách mát xa hoa dừa bằng cách dùng thanh gỗ gõ đều đều, vừa phải lên lớp vỏ bọc hoa dừa để đả thông tuyến mật. Mỗi ngày sau đó sẽ dùng sao cắt nhẹ một lớp dày 1cm trên bề mặt hoa, mật dừa sẽ tiết ra từ đó.
Mật hoa dừa thu được trong bán kính 5km được đưa về xưởng chế thành sản phẩm cô đặc. Mật thu ở những nơi xa hơn sẽ làm sản phẩm lên men. Khi mật hoa dừa về, xưởng sẽ đo tiêu chuẩn nguyên liệu. Dựa vào các tiêu chuẩn để xác định làm nước uống tươi, làm mứt với dứa và xoài, hay tinh luyện thành đường, giữ nguyên dưỡng chất sẵn có trong mật hoa dừa hoặc làm giấm...
“Mỗi giọt mật đều rất quý nên trong bất cứ tình huống nào cũng có cách xử lý chứ không phải vứt bỏ”, Chal Thy nói. Cô cho biết, Sokfarm ra đời với sứ mệnh nối lại khoảng thời gian đứt gãy của nghề thu mật hoa dừa từ xa xưa ở Trà Vinh và thương mại hóa sản phẩm mật hoa dừa theo hướng chất lượng cao, phù hợp với cuộc sống hiện đại, tốt cho sức khỏe.
Hiện có nhiều giống dừa để khai thác mật hoa. Chal Thy đang trồng thử nghiệm giống cho năng suất mật cao nhất. Nếu thành công, cô sẽ cung cấp giống cho các hộ dân trồng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu.
Tương lai, mật hoa dừa không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thực phẩm, cô gái Khmer và các cộng sự còn hướng tới sản phẩm các loại mỹ phẩm để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, họ cùng nhau phát triển ngành khai thác mật hoa dừa, tạo sinh kế cho người nông dân quê hương cải thiện cuộc sống...