‘Mình không sinh ra để đi làm! Bạn cũng vậy!'
Cụ thể, trong các video được đăng cách đây khoảng 3-4 tháng, cô gái này đã có những chia sẻ khá “sốc” về cách kiếm tiền từ các bạn hẹn trên ứng dụng hẹn hò Tinder và cách bịa hồ sơ để đi xin việc. Cô cũng đăng một video khác với tiêu đề “Mình không sinh ra để đi làm! Bạn cũng thế”, kể về các trải nghiệm làm việc ở một số công sở. Tuy nhiên, làm ở đâu cô cũng chỉ làm được một thời gian ngắn vì muốn “làm thứ gì đó lớn hơn”.
Trong video “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder”, cô gái này cho biết, cô không đi làm, không có nguồn thu nhập ổn định nhưng vẫn xoay sở để sống được ở Hà Nội bằng một vài cách. Cô rất tự hào kể rằng, một trong số những cách mà cô đã thực hiện rất thành công, đó là kiếm tiền từ bạn hẹn hò. Cụ thể, cứ mỗi cuộc hẹn kết thúc, cô lại nói với bạn trai rằng: “Em không mang tiền mặt. Anh có thể cho em vay 200 nghìn được không, về nhà em sẽ chuyển khoản trả lại anh”.
“Vì hầu hết các bạn trai mình gặp đều rất ‘nice’ nên không có ai đòi lại số tiền đấy cả. Thế là mỗi cuộc hẹn mình đều kiếm được 200 nghìn trở lên”.
Cô gái cho biết, mỗi ngày cô có thể hẹn từ một đến vài cuộc, tức là mỗi tháng có thể dễ dàng kiếm vài triệu đồng, đủ tiền ăn. Và cô đã sống nhờ cách này suốt vài năm liền. Đó cũng là khoảng thời gian cô cho biết là rất khó khăn về tài chính. Kết luận lại, cô tự nhận mình rất thông minh, sáng suốt vì đã nghĩ ra được nhiều “trò” như vậy để xoay sở.
Nguồn thu thứ hai mà cô có thể kiếm được từ Tinder cũng là từ các bạn hẹn vào mỗi dịp hậu Tết Nguyên đán. Thời điểm này, cô sẽ “quẹt” nhiều nhất có thể để đi hẹn hò. Trước mỗi buổi hẹn, cô chuẩn bị một chiếc phong bao lì xì, bên trong chỉ để tờ 20 nghìn đồng. Khi gặp “đối tác”, cô chủ động rút lì xì mừng tuổi cho bạn trai.
Lúc này, hầu hết là các anh sẽ rất bất ngờ, sau đó đều lì xì lại cô số tiền ít nhất là 200 nghìn đồng. Có những lần cô nhận được 500 nghìn tới 1 triệu đồng. Cô gọi đây là khoản “tiền Tết”.
Nguồn thu nhập thứ ba là nhận viết “profile” hộ cho các anh chàng đăng ký ứng dụng này nhưng không biết làm thế nào để thu hút các cô gái. Thậm chí, nữ Youtuber còn tán tỉnh các cô gái giúp họ luôn. Cô kể, để đáp lại sự giúp đỡ, các anh thường tặng cô rất nhiều đồ ăn ngon, đắt tiền.
Trong video “Mình bịa CV để đi xin việc thế nào?”, cô gái cũng kể chuyện mình đã bịa rất nhiều CV để mang đi xin việc và hầu như đều được nhận việc ngay. Tuy nhiên, công việc nào cô cũng chỉ làm được một thời gian ngắn là thấy không phù hợp hoặc bị đuổi việc. Từ đó, cô rút ra kết luận “mình không sinh ra để đi làm”.
Những chia sẻ của nữ YouTuber nhận được 2 luồng ý kiến từ cộng đồng mạng. Một bộ phận cho rằng cô gái này cố tình câu view, câu like để nổi tiếng bằng những nội dung bịa đặt. Một bộ phận khác cho rằng, cô sống giả dối, lợi dụng người khác, còn trẻ nhưng không nỗ lực làm việc mà lại dùng mánh khoé để kiếm tiền…
Những chia sẻ này của cô bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội, thậm chí tạo thành “trend” để trêu đùa, giễu cợt trong những ngày gần đây. Ba video gây tranh cãi này cũng là 3 nội dung thu hút người xem cao nhất trên kênh YouTube của cô.
Làm gì với những nội dung bẩn trên MXH?
Bàn về câu chuyện này, Th.s Đỗ Thị Hải Đăng - giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho rằng, xu hướng phát triển của mạng xã hội và các kênh truyền thông cá nhân (được sản xuất với các bạn trẻ tự nhận là KOL/KOC) ngày càng mạnh và không có sự kiểm soát về nội dung. “Cá nhân tôi thấy những nội dung như bạn YouTuber đang làm là những nội dung có thể nói là xàm xí, không mang lại giá trị tích cực cho người xem”.
“Những nội dung được thực hiện tràn lan và không có kiểm soát, theo tôi, là mội trong những mối đe doạ, ảnh hưởng lớn đến lối sống của các bạn trẻ. Điều này cho thấy một vấn đề rất lớn là trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trên những trang MXH như thế này thuộc về ai? Cơ quan quản lý, nền tảng kênh, hay là người dùng? Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ những vấn đề vi phạm chính sách, vi phạm pháp luật mới bị cấm, còn những nội dung được đánh giá không lành mạnh hay tiêu cực về lối sống thì lại không được quản lý bởi các cơ quan chức năng hay nhà mạng, mà do người sử dụng mạng xã hội “tự lọc”.
Cơ chế “tự lọc” này chỉ có thể hiệu quả với những người có tri thức, có đủ khả năng đánh giá và nhìn nhận, còn với các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm hoặc thậm chí là đối tượng trẻ em, thì “bộ lọc tự nhiên” không được kích hoạt và có thể ảnh hưởng đến lối sống của các em.
Do vậy, tôi nghĩ điều chúng ta cần làm đó là chung tay ngăn chặn những nội dung được đánh giá kém lành mạnh, tạo cảnh báo cho người tiêu dùng và đề nghị các nền tảng MXH (như Facebook, Tiktok, Youtube…) có tính năng cảnh báo từ người dùng với những nội dung “độc hại”.
Theo bà Hải Đăng, việc sử dụng chiêu trò câu view, câu like là những thủ thuật thường thấy của những người sản xuất nội dung trên MXH. Tuy nhiên, những nội dung thiếu lành mạnh cần được lên án và hạn chế chia sẻ, phát tán. “Mỗi người dùng MXH có trách nhiệm thì sẽ tạo nên một cộng đồng MXH có trách nhiệm. Trách nhiệm này bao gồm cả việc đẩy lùi các tin bẩn và khuyến khích, chia sẻ những tin có giá trị với cộng đồng”.