Quyên lấy chồng người Nhật Bản được khoảng 3 năm. |
Nguyễn Thị Bé Quyên, 30 tuổi hiện sống ở tỉnh Ibaraki cùng với gia đình chồng.
Trước khi sang Nhật, Quyên tốt nghiệp ngành tiếng Anh và đang làm công việc văn phòng ổn định ở Việt Nam. Cô không hề có ý định sang Nhật cho đến năm 2015. “Chỉ vì một cú điện thoại của người quen hỏi ‘có muốn đi Nhật không?’, mình đã đồng ý và 1 tháng 20 ngày sau mình đã ở giữa nước Nhật”.
“Khi đó, mình mới 23 tuổi, chỉ vì tò mò muốn biết cuộc sống và văn hoá ở nước ngoài nên đã mạnh dạn đi. Mình biết cuộc sống của người lao động ở nước ngoài vô cùng vất vả, bởi vì anh lớn của mình cũng làm việc ở Hàn Quốc”.
Nơi làm việc đầu tiên của Quyên khi đặt chân đến Nhật là một công ty giặt ủi đồ cho khách sạn. Công việc rất vất vả. Khi đó, Quyên mới sang Nhật, tiếng Nhật chỉ mới học khoảng 1 tháng nên không có nhiều lựa chọn.
Dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng cô vẫn không thể tin được là người Nhật làm việc với năng suất “kinh khủng”. Với một người làm văn phòng như Quyên thì nó ngoài sức tưởng tượng.
“Ngày đầu vào làm, mình đã cảm thấy nhớ Việt Nam và muốn về ngay. Nhưng vì hợp đồng đã kí rồi, đâu phải muốn về là được, cho nên phải cố gắng. Từng ngày trôi qua dần dần rồi mình cũng quen”.
Bù lại cho sự vất vả, Quyên thích gần như mọi thứ của đất nước này, đặc biệt là con người Nhật. Trong mắt cô, người Nhật đặc biệt tử tế. “Mình nhớ có lần đi lạc đường và được một người dân đưa về tới tận nhà. Dịch vụ ở Nhật thì vô cùng tuyệt vời. Mình gửi tặng bạn một cây son qua đường bưu điện nhưng vì gói hàng quá nhỏ nên người giao hàng đã làm thất lạc. Khi gọi đến bưu điện thì nhân viên nói là hãy đi mua cây son mới, giá tiền bao nhiêu họ sẽ chi trả. Sau đó, nhân viên bưu điện đã mang tiền đến trả tận nơi cho mình với cái cúi đầu xin lỗi chân thành”.
Tất nhiên, Quyên cho rằng, ở đâu cũng có người nọ người kia. Trong nhiều năm làm việc và tiếp xúc với người Nhật, cô cũng từng bị bắt nạt. Nhưng đó chỉ là số ít, hiếm hoi, còn lại hầu hết người Nhật đều dễ thương.
Vườn rau của gia đình Quyên |
Sự tử tế và tốt bụng của người Nhật cũng thể hiện trong cuộc sống hằng ngày và ở những người sống xung quanh Quyên. Cô có những người hàng xóm vô cùng tốt tính - trồng được rau củ gì hay nấu món gì ngon cũng đem cho, khiến cô cảm thấy như đang sống ở quê hương mình vậy.
“Hồi mùa hè, mình có thuê một miếng đất trồng rau. Vì mới trồng nên mình không có kinh nghiệm. Mỗi ngày vào 3h chiều, chú hàng xóm kế bên nhà đều đứng đợi mình ở đầu ngõ rồi cùng đi ra vườn phụ bắt sâu, chỉ mình cách trồng từng loại rau như thế nào. Hiện tại, mấy cây rau trong vườn của mình cũng là chú cho cây giống, hạt giống. Sự tốt bụng của người Nhật làm mình rất cảm động”.
Có thể do yêu mến nước Nhật mà mỗi con đường, mỗi địa điểm Quyên từng đi qua đều khiến cô lưu luyến. Mỗi mùa qua đi là một lần cảnh sắc thiên nhiên thay đổi, mùa nào cũng đẹp. Cô chỉ e ngại nhất là khi tới mùa đông, thời tiết rất lạnh, đến mức tay chân cô lúc nào cũng bị bỏng lạnh, nứt và chảy máu.
Những tính cách đặc trưng của người Nhật thể hiện rõ ở các thành viên trong gia đình Quyên. |
Người Nhật được đánh giá là ham công việc, tỉ mỉ và nguyên tắc. Quyên cho rằng nhận xét đó rất đúng, ngay trong gia đình mình. “Chồng mình cũng là người rất ham công việc. Dù có bị ốm cũng vẫn đi làm, chứ không xin nghỉ. Trong nhà, ai làm xong cái gì cũng đều dọn dẹp sạch sẽ, để đồ vật về đúng chỗ cũ, chứ không bày bừa.
Mình nhớ hồi còn nhỏ được học ở trường là người Nhật không xả rác, nhưng sống ở đây lâu thấy cũng có một vài người xả rác trên đường, ngoài ra thì ai cũng tôn trọng quy tắc cả”.
Người Nhật rất chỉn chu trong mọi việc họ làm, Quyên cảm nhận được điều này khi sống cùng mẹ chồng. Nhìn cách bà xếp đồ và cách mẹ gọt bí đỏ, cô phải thốt lên “sao lại có thể tỉ mỉ đến như vậy”.
“Tính tiết kiệm và làm việc vô cùng chăm chỉ của họ làm mình rất khâm phục. Mẹ chồng hay dạy mình, nếu có nấu đồ ăn thì nấu đủ ăn, đừng nấu nhiều quá ăn không hết rồi bỏ phí”.
Giống như các sản phẩm được sản xuất từ đất nước này - vô cùng chi tiết, người Nhật rất duy mỹ, làm gì cũng phải chỉn chu và đẹp mắt. “Mình từng là một người rất ẩu nhưng từ khi sống với mẹ chồng, mình đã tốt dần lên, làm cái gì cũng phải cho ngăn nắp và đẹp mắt”.
Hiện tại, Quyên sống cùng chồng và ba mẹ chồng ở tỉnh Ibaraki thuộc đảo Honshu. Do chưa thành thạo ngôn ngữ nên cô chưa đi làm, mà ở nhà nội trợ và chăm sóc nhà cửa, vườn tược. “Mình chưa có bằng lái xe nên muốn làm gì cũng khó. Năm sau mình học bằng lái rồi tìm trường học tiếng cho giỏi để hoà nhập cuộc sống ở đây”.
Đúc rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình, Quyên khuyên các bạn người Việt muốn sang Nhật làm việc nên học tiếng cho thật tốt trước khi sang. “Khi thông thạo ngôn ngữ thì làm gì cũng dễ. Còn tất cả những trở ngại khác chỉ cần chúng ta cố gắng là sẽ vượt qua được” - Quyên nói.
Đăng Dương
'Cú sốc' của chàng kỹ sư người Việt ở tỉnh nghèo Nhật Bản
“Ra đường mà nói to, rất có thể bạn sẽ bị cảnh sát tới nhắc nhở vì làm ảnh hưởng tới người khác. Hoặc trẻ con gây ầm ĩ trong nhà hàng cũng có nguy cơ bị mời đi ra ngoài”, Quý nói.