Nỗi đau khôn cùng
Loanne Jeunet được sinh ra tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) vào ngày 5/1/1994. Thế nhưng sau khi chào đời, cô bé đã bị bỏ lại bệnh viện.
Không có người thân, bé gái được đưa đến Nhà nuôi trẻ mồ côi Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP.HCM). Tại đây, cô bé được làm Giấy chứng nhận thay thế khai sinh với tên Tào Thị Ngọc Thảo.
Ba tháng sau, Ngọc Thảo được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi. Bố mẹ nuôi đặt tên cho cô là Loanne Jeunet.
Loanne lớn lên trong tình yêu thương, sự giáo dục hoàn hảo của gia đình. Dẫu vậy, suốt những năm tháng tuổi thơ, cô bé vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Cô nhận ra mình có nhiều điểm khác biệt với những đứa trẻ cùng trang lứa.
Cuối cùng, Loanne được bố mẹ cho biết cô là con nuôi và là người Việt Nam. Ngày biết mình bị cha mẹ ruột bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, Loanne đau đớn tột cùng. Nỗi đau ấy khiến Loanne rơi vào trầm cảm.
Loanne tâm sự: “Khi biết mình bị bỏ rơi, tôi luôn sợ hãi và đau buồn. Sau này, tôi gặp nhiều người cùng hoàn cảnh. Tất cả đều có điểm chung là sống trong một tuổi thơ tối tăm, luôn ám ảnh nỗi sợ tiếp tục bị bỏ rơi, bị phân biệt chủng tộc ở trường…
Những nỗi sợ ấy khiến tôi bị tổn thương tâm lý sâu sắc. Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được bố mẹ nuôi đưa đến gặp các nhà tâm lý học điều trị. Tuy vậy, các liệu pháp điều trị vẫn không thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn tôi”.
Để con gái hạnh phúc, ông bà Jeunet nỗ lực tìm kiếm người đã sinh ra và bỏ rơi cô bé. Thậm chí bố nuôi Loanne còn bí mật về Việt Nam tìm mẹ ruột cho con gái của mình.
Khi Loanne 15 tuổi, ông quyết định đưa cô về Việt Nam tìm mẹ ruột. Thế nhưng lần tìm lại nguồn cội này lại đem đến cho Loanne nỗi thất vọng nặng nề.
Cô phát hiện những thông tin ghi trên Giấy chứng nhận thay thế khai sinh là của một trẻ sơ sinh khác không may đã chết sau khi chào đời. Sau đó, Loanne tìm thấy người phụ nữ được cho là mẹ ruột của mình.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ADN lại chứng minh cả hai không phải là mẹ con ruột. Cuộc tìm kiếm suốt 3 tháng đi vào ngõ cụt, Loanne mang theo nỗi buồn vô hạn trở về Pháp.
Định cư, học tiếng Việt để tìm mẹ
Suốt thời gian tuổi thơ và đến tận bây giờ, Loanne không ngừng đặt ra câu hỏi vì sao mẹ lại bỏ rơi mình. Cô gái đã nghĩ đến vô số tình huống, hoàn cảnh để tìm ra câu trả lời thuyết phục nhất.
Thế nhưng, chưa bao giờ Loanne hài lòng với bất cứ câu trả lời nào. Thế nên cô không ngừng tìm kiếm mẹ ruột. Cô gái đã trở lại Việt Nam vào các năm 2016, 2017, 2018 với hy vọng tìm được những thông tin về người đã sinh ra mình.
Thậm chí, Loanne ở Việt Năm suốt năm 2019 để tìm mẹ. Cô nhiều lần đến nơi mình sinh ra và trại trẻ mồ côi Gò Vấp để tìm thông tin. Tuy vậy, cuộc tìm kiếm không thu được kết quả khả quan.
Năm 2020, vì công việc, cô gái buộc phải trở về Pháp và kẹt lại đây vì dịch bệnh. Tuy nhiên, cô vẫn thuê một đơn vị để tìm mẹ cho mình.
Cô nói: “Hai năm mắc kẹt ở Pháp vì dịch bệnh, tôi vẫn nỗ lực tìm mẹ bằng cách thuê một công ty. Thế nhưng tôi chỉ nhận về nỗi thất vọng và nước mắt. Tôi trở lại Việt Nam vào tháng 1/2023 và có ý định định cư ở đây để tìm mẹ với một tâm thế thanh thản nhất.
Tôi đang cố gắng học tiếng Việt bởi tôi nhận ra rằng rào cản ngôn ngữ sẽ khiến việc tìm kiếm khó khăn. Hơn thế, tôi muốn học thật tốt tiếng Việt để có thể nói chuyện với mẹ nếu một ngày nào đó tôi tìm thấy bà”.
Những ngày qua, Loanne nỗ lực tìm kiếm mẹ trong tâm thế vui tươi. Cô có lần thứ 6 đến nơi mình từng sinh sống trước khi được nhận nuôi.
Lần này, Loanne có được thông tin về người hỗ trợ vợ chồng người Pháp nhận nuôi mình 29 năm về trước. Người này hiện đã già.
Các con của bà đều sinh sống ở Pháp. Tuy vậy, không hiểu vì sao, vài ngày trở lại đây, gia đình người này bất ngờ cắt đứt mọi liên lạc với Loanne.
Tuy vậy, cô gái cho biết sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm mẹ. Bởi, đó là mảnh ghép còn thiếu cuối cùng trong tâm hồn cô.
Loanne nhắn gửi: “Con chưa từng giận mẹ dù tự đặt ra câu hỏi vì sao mẹ bỏ rơi con hàng vạn lần. Con không biết liệu mẹ còn nhớ hay nghĩ đến con không. Nhưng con luôn nghĩ và nhớ về mẹ mỗi ngày.
Con sẽ không ngừng tìm kiếm mẹ dẫu không biết phải nói gì với mẹ nếu chúng ta tìm thấy nhau. Nhưng con muốn mẹ biết rằng, chỉ có mẹ mới có thể thay thế, lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn con.
Mỗi ngày trôi qua, con đều cầu chúc những điều tốt nhất cho mẹ. Con có một vết bớt trên lưỡi. Con nghĩ có lẽ mẹ đã thấy nó trước khi rời bỏ con vì một lý do đau đớn nào đó”.
Cuối cùng, Loanne mong ước bất kỳ ai có thông tin về mẹ ruột của cô hãy liên hệ với cô qua các địa chỉ: Instagram @loanne_thao hoặc Loanne.j1994@gmail.com.
*Ảnh nhân vật cung cấp
Hai tháng tuổi, cô gái gốc Việt Marion Potriquet (SN 1996) được bố mẹ người Pháp nhận nuôi. Họ đã cho cô một cuộc sống tuyệt vời. Thế nhưng Marion vẫn luôn đau đáu trong lòng về người mẹ Việt Nam chưa từng gặp mặt.