Nạn nhân là cô Anjali Singh. Một chiếc ô tô do tài xe say rượu điều khiển đã tông vào chiếc xe điện của cô Anjali và người bạn Nidhi trên con đường khá tối và vắng vẻ ở thủ đô New Delhi vào đêm Giao thừa. Chân của cô Anjali bị mắc vào xe ô tô và thân thể bị kéo lê trên đoạn đường dài 12km. Tài xế sau đó bỏ mặc nạn nhân mới 20 tuổi bên đường. 

An toàn cho phụ nữ là vấn đề nóng gây tranh cãi lâu nay ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)

“Chúng ta vẫn nói bé gái cần được đi học và đi làm, nhưng có ích gì khi mà không có nơi nào an toàn bên ngoài ngôi nhà”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Prem Kumar, bác của cô Anjali chia sẻ. 

Cái chết của cô Anjali đã làm bùng lên cuộc biểu tình bên ngoài đồn cảnh sát ở Sultanpuri, phía tây thủ đô Delhi, nơi nạn nhân từng sinh sống. Gia đình và bạn bè của nạn nhân yêu cầu lực lượng chức năng đưa ra câu trả lời tại sao cảnh sát không đi tuần tra ở khu vực xảy ra tai nạn, và tại sao phải sau 2 tiếng đồng hồ các nhân chứng liên tục gọi điện vào đường dây nóng cảnh sát mới có phản ứng. 

Trong vụ tai nạn trên, cô Nidhi chỉ bị thương nhẹ và trở về nhà mà không báo cáo sự việc với cảnh sát với lý do bản thân cảm thấy sợ hãi. 

Kết quả mổ tử thi cho thấy cô Anjali đã chết vô cùng đau đớn khi phần da bị tróc, xương sườn lộ ra ngoài, và thậm chí “một vài phần não bộ đã biến mất”. 

Sau cái chết của người cha cách đây 3 năm, cô Anjali buộc phải nghỉ học để kiếm tiền nuôi gia đình. Mẹ của cô gái bị bệnh thận, trong khi hai người em trai vẫn còn đang đi học. Chiếc xe điện là phần thưởng cô Anjali tự mua để có thể đi làm thuận tiện hơn.  

Vụ tai nạn của cô Anjali xảy ra chỉ vài tuần sau khi Ấn Độ tưởng niệm 10 năm nữ sinh Jyoti Singh qua đời trong vụ cưỡng hiếp và tấn công tàn bạo ngay trên xe buýt vào năm 2012. Vụ việc đã gây chấn động dư luận toàn cầu, và làm bùng lên cuộc tranh luận gay gắt về thái độ đối xử với phụ nữ của đàn ông Ấn Độ. 

Sau cái chết của con gái, bà Asha Devi, mẹ của cô Jyoti, đã tham gia chiến dịch bảo vệ an toàn cho phụ nữ. Nhưng vụ việc của cô Anjali cho thấy sau 10 năm qua, mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi. 

“Kể từ ngày con gái tôi qua đời, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền lắp thêm đèn đường, và cảnh sát tăng cường tuần tra để giúp phụ nữ cảm thấy an toàn hơn mỗi khi di chuyển trên đường, nhưng họ đã ở đâu? Cả đoạn đường xảy ra tai nạn không có xe cảnh sát tuần tra, và cũng không có chốt kiểm tra suốt quãng đường 12km", bà Devi nhấn mạnh đáng lẽ vào đêm Giao thừa, cảnh sát Ấn Độ phải đi tuần tra thường xuyên để đảm bảo an ninh công cộng. 

“Cảnh sát Ấn Độ vẫn chỉ bảo vệ cho các chính trị gia và những nhân vật quan trọng (VIP) thay vì phụ nữ. Nhiều khu vực ở Delhi hiện vẫn chưa lắp camera giám sát an ninh”, bà Devi nói thêm. 

Hiện tại, phụ nữ mới chỉ chiếm 25% trong lực lượng lao động tại Ấn Độ. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong nhóm các nền kinh tế đang nổi. Giới phân tích nhận định phụ nữ Ấn Độ thường tìm những công việc gần nhà vì lý do an toàn. Nếu không tìm được việc như ý muốn, họ chọn cách ở nhà. 

Bà Ranjana Kumari, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu xã hội tại Delhi, cho rằng “Vấn đề không chỉ nằm ở đèn đường, mà cả văn hóa bạo lực nhằm vào phụ nữ và việc đàn ông được miễn tội, đều cần phải thay đổi”. 

Cũng theo bà Kumari, phụ nữ thường bị đổ lỗi như uống rượu hay ăn mặc không đứng đắn, nếu không may xảy ra chuyện khi ra ngoài vào ban đêm. 

“Cảnh sát cho công khai thông tin cô Nidhi nói rằng nạn nhân Anjali đã uống rượu. Đây chính là tìm cách đổ lỗi cho nạn nhân. Tại sao họ có thể nói như vậy, trong khi báo cáo khám nghiệm tử thi không phát hiện nồng độ cồn trong cơ thể nạn nhân”, bà Kumari nhấn mạnh. 

Vào năm 2013, chính phủ Ấn Độ cho thành lập quỹ tăng cường bảo vệ an toàn cho phụ nữ. Khoảng 70% quỹ được dùng để thiết lập các trung tâm hỗ trợ “một cửa” cho nạn nhân bị bạo lực tình dục, thành lập các tòa án xử nhanh những vụ cưỡng hiếp, và mua bộ dụng cụ pháp y để giám định trong các vụ tấn công tình dục. 

Minh Thu