Theo NeedToKnow, Laura Fernández Costa, 31 tuổi, quyết định đặt bóng hơi vào dạ dày để giúp cô giảm cân. Theo đó, bác sĩ sẽ làm thủ thuật cho một túi silicon chứa đầy nước muối vào dạ dày của bệnh nhân. Bóng chiếm một phần diện tích trong lòng dạ dày tạo cảm giác no nên giảm bớt lượng thức ăn cần tiêu thụ hằng ngày giúp người bệnh giảm cân.
Laura đã phẫu thuật tại một phòng khám ở Belo Horizonte (Brazil) vào ngày 26/4. Theo các thành viên trong gia đình, hôm sau, Laura bắt đầu nôn ra máu.
Ngày 1/5, Laura đến một phòng khám khác để tháo bóng dạ dày. Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục đau dữ dội và phải nhập viện vào ngày 6/5. Trong quá trình can thiệp khẩn cấp, các bác sĩ phát hiện nữ bệnh nhân bị thủng dạ dày dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Cô qua đời vào ngày 7/5.
Matheus Turchete, chồng sắp cưới của Laura, cho biết: “Laura thực sự không cần phẫu thuật. Cô ấy không béo phì, là một người khỏe mạnh. Laura nặng 70kg nhưng cô ấy muốn có một thân hình công chúa vào ngày cưới và cuối cùng đã đưa ra quyết định đó”. Laura và Matheus dự định kết hôn vào ngày 7/9.
Cảnh sát xác nhận họ đang điều tra nguyên nhân cái chết của Laura.
Nội soi can thiệp - Đặt bóng điều trị béo phì
Trước tiên, bác sĩ thực hiện nội soi thực quản - dạ dày cho người bệnh đảm bảo không có tổn thương mới tiến hành đặt bóng. Họ đưa hệ thống đặt bóng từ từ qua thực quản vào dạ dày. Bơm dung dịch nước muối sinh lý vào bóng qua van ba chiều.
Thủ thuật này chỉ định điều trị béo phì đối với những người không đáp ứng các phương pháp giảm cân khác.
Các nhóm nên đặt bóng dạ dày gồm trường hợp béo phì có chỉ số khối cơ thể BMI trên 40, BMI 30-39 có bệnh lý liên quan đến béo phì.
Các nhóm không nên đặt bóng dạ dày gồm điều trị giảm cân vì lý do làm đẹp; BMI dưới 30; có tiền sử mổ dạ dày hoặc mắc các bệnh lý ống tiêu hóa (viêm thực quản, loét dạ dày hành tá tràng…); có biểu hiện thần kinh và tâm thần (rối loạn tâm lý nặng, nghiện rượu, nghiện ma túy): đang sử dụng aspirin, thuốc chống đông, thuốc kích ứng dạ dày; người đang có thai, cho con bú.
Tai biến
Người đặt bóng dạ dày có thể phải đối mặt với tắc ruột do bóng bơm không đủ căng, bóng bị rò rỉ, giảm độ căng làm bóng di chuyển xuống ruột non. Họ cũng có thể bị tổn thương ống tiêu hóa do đặt bóng vào các vị trí không thích hợp gây chảy máu, thủng.
Người bệnh có thể buồn nôn, nặng bụng, đau bụng, đau lưng thường xuyên hay có chu kỳ, trào ngược, loét dạ dày. Một số người xuất hiện tình trạng viêm, nhiễm trùng, sốt, đau quặn, tiêu chảy do nhiễm khuẩn có thể từ dịch trong bóng xì ra.
Trong trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở.