Khuất Minh Thu Giang (sinh năm 1998, Hà Nội) được biết tới là người mang Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc về Việt Nam. Thời điểm ấy, mô hình này khá phổ biến tại các trường học trên thế giới, nhưng lại chưa được biết tới nhiều ở Việt Nam.

17 tuổi, Giang trở thành người sáng lập kiêm Tổng thư ký hội nghị, từng đạt giải đại biểu tiêu biểu tại Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc của Harvard và là đại biểu lãnh đạo trẻ châu Á tại Singapore.

Ở tuổi 18, Giang được 6 đại học danh giá thế giới chào đón, bao gồm cả ở Mỹ và Anh. Mặc dù các trường tại Mỹ sẵn sàng cấp cho Giang mức học bổng lên tới 80.000 USD/trường, tuy nhiên mục tiêu của nữ sinh khi ấy lại là tới Anh học ngành luật.

Đây vốn là ngành học rất cạnh tranh ngay cả với sinh viên bản địa. Mặt khác, số lượng học bổng các trường cấp cho sinh viên quốc tế cũng không nhiều. Được cả 4 đại học Anh cùng chấp thuận, Giang quyết định theo đuổi ngành học này tại Đại học Exeter.

unnamed.jpg
Khuất Minh Thu Giang (sinh năm 1998, Hà Nội) được biết tới là người mang Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc về Việt Nam.

Thực tế, chương trình học Luật ở Anh, Mỹ hay Australia, Canada vẫn luôn là một thách thức. Tại Anh, sau khi hoàn thành chương trình học ở trường 3 năm, sinh viên phải đi làm thêm 2 năm lấy kinh nghiệm để thi chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong khi đó, cơ hội làm việc ở ngành luật cho sinh viên quốc tế không nhiều.

“Những người nộp hồ sơ vào các hãng luật lớn hầu hết đều là ứng viên ưu tú. Do đó, ngoài việc giỏi chuyên môn, các hãng cũng mong muốn tìm kiếm ứng viên nhiệt huyết, hoạt bát, thông minh, nhanh nhạy”.

Hiểu được điều đó, ngay từ năm nhất, ngoài tập trung vào điểm số trên trường, Giang đã tỉ mỉ xây dựng hồ sơ bằng các kinh nghiệm nghề nghiệp và hoạt động ngoại khóa, từ đó trau dồi khả năng kết nối và thể hiện bản thân. 

Thu Giang cho rằng một luật sư giỏi không chỉ cần có IQ cao mà còn cần cả EQ để hiểu các vấn đề hóc búa của khách hàng, từ đó mới tìm ra giải pháp phù hợp. Khi nắm được các điểm mấu chốt của nghề, tới năm thứ 2 đại học, Giang bắt đầu ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh cho một hãng luật nổi tiếng và trúng tuyển.

Thời điểm ấy, nữ sinh vừa đi học trên trường, vừa đi làm ở công ty luật. “Mọi thứ rất căng não, nhưng bù lại tôi được tiếp xúc và làm việc trong một số lĩnh vực, nhờ đó trau dồi thêm kinh nghiệm để xử lý các vấn đề cho khách hàng”, Giang nói.

img 5875.jpg

Công ty nơi Giang làm việc vốn là một công ty luật đa quốc gia của Anh, có trụ sở chính tại London. Ngoài ra, công ty cũng có văn phòng trải khắp 17 đất nước ở Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ. Do đó, môi trường làm việc cũng rất chuyên nghiệp và cạnh tranh.

“Rất nhiều ứng viên đến từ các trường top đầu của Mỹ, Anh, Trung Quốc, Singapore, chẳng hạn như Thanh Hoa hay Đại học Quốc gia Singapore muốn ứng tuyển vào công ty này… Do đó, nơi đây tập hợp những người rất ưu tú”.

Mặc dù cạnh tranh, sau khi hoàn thành 3 năm học tại trường, tiếp tục trải qua quá trình tập sự kéo dài 2 năm với 6 bài thi hành nghề, Thu Giang đã được nhận vào làm chính thức tại hãng luật này.

Theo thống kê, tỷ lệ được nhận vào các hãng luật hàng đầu tại Anh mỗi năm tương đối thấp. Thông thường với một khóa 400 sinh viên ra trường, chỉ có khoảng 3 người được nhận vào các công ty tốp đầu. Thế nhưng, Thu Giang đã làm được điều ấy.

img 7484.jpg

Tháng 9/2023, sau khi hoàn thành quá trình tập sự kéo dài 2 năm, Giang chính thức trở thành luật sư Thương mại quốc tế, thuộc Liên đoàn Luật sư Anh và Xứ Wales. Cô gái người Việt cũng từng có cơ hội tham gia một số thương vụ trị giá lên tới 1 tỷ đô.

“Đây là cơ hội đáng giá giúp tôi được học hỏi và trau dồi kinh nghiệm từ những thị trường lớn”, Giang nói.

Bằng những trải nghiệm của mình cùng với niềm đam mê với các hoạt động xã hội, Giang đã thực hiện một dự án kết nối những người trẻ yêu thích ngành luật với các luật sư nổi tiếng trong và ngoài nước.

Một số workshop đã được Giang cùng cộng sự tổ chức, giúp sinh viên Việt Nam kết nối với các luật sư giỏi người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và luật sư nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam, từ đó giúp người trẻ Việt được tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và cho lời khuyên để phát triển sự nghiệp sau này.

Giang kỳ vọng điều này sẽ hỗ trợ được nhiều người trẻ có sự định hướng, tìm ra con đường phù hợp với bản thân và có thể làm việc tốt trong ngành luật.

img 9109.jpg

Với những gì đã làm, Thu Giang cho biết may mắn vì mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng. 

“Tôi luôn xem việc phát triển bản thân giống như giải một bài toán khó. Mình cần giải từng bước và phải thử nhiều cách khác nhau. 

Thực tế, nếu cắt nhỏ hoài bão của mình thành các bước dần dần cơ hội sẽ ngày càng rộng mở. Và để biết mình muốn đi đến đâu cũng cần phải trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Đôi khi, những điều mình thích cũng chưa chắc đã phù hợp”.

Theo Giang, trong bất kỳ lĩnh vực nào, muốn thành công đều phải trải qua giai đoạn khó khăn. Cho nên, điều cần làm là không ngại bước ra khỏi vùng an toàn.

“Khi thất bại, tôi luôn nghĩ đến những bài học, bởi thành công tạo nên sự tự tin nhưng thất bại mới là cách để mình học hỏi nhiều nhất”, Giang nói.