Đoạn clip ghi lại lời tự sự của chị Đàm Thị Thanh Tâm (SN 1985, Bắc Kạn) - cô giáo không may gặp tai nạn giao thông vĩnh viễn mất đi đôi chân nhưng có bản lĩnh và nghị lực phi thường, ý chí vươn lên mạnh mẽ khiến nhiều người cảm động.
Bản lĩnh của cô giáo vùng cao
Trước đây, chị Tâm là giáo viên dạy âm nhạc ở trường đặc biệt khó khăn Cao Sơn (Bắc Kạn), cách nhà 70km. Gần 10 năm, mỗi ngày, chị rong ruổi hơn 2 tiếng đồng hồ trên đường mới tới được nơi dạy học và lại mất bằng đó thời gian để trở về nhà.
Khi các con đến tuổi đi học, mẹ già thường xuyên đau yếu, chị Tâm xin chuyển công tác về Trường Tiểu học và THCS Dương Phong (huyện Bạch Thông), cách nhà 10km. Những tưởng gia đình sum họp, các con nhỏ sẽ được chị Tâm chăm sóc vẹn toàn. Vậy nhưng…
Một chiều cuối tháng 3/2021, trên đường đón con trai 5 tuổi từ trường về nhà, không may chị Tâm gặp tai nạn giao thông.
Hai mẹ con chị Tâm đang đi xe máy thì gặp một chiếc xe tải chở quặng bị mất đà tụt dốc lao xuống. Do chở con nhỏ phía sau nên chị Tâm không thể vứt xe bỏ chạy, chỉ kịp đánh lái sang trái đường.
Chị nhớ lại: “Đuôi chiếc xe tải chở quặng gạt đổ xe máy, tôi chỉ kịp đẩy con trai ra xa gầm xe. Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đôi chân của mình bị bánh xe kẹp nát. Tôi sốc. Nhưng tôi vẫn kịp quay lại hỏi con trai có sao không? Thấy con đứng lên đi vào lề đường, tôi tự nhủ con an toàn là may mắn lớn nhất rồi”.
Bằng một sự bình tĩnh tới kinh ngạc, quên đi mọi đau đớn, chị Tâm nhờ người dân đưa đi cấp cứu. “Máu chảy quá nhiều, tôi phải giới thiệu mình là giáo viên mới chuyển về đây công tác để mọi người yên tâm sơ cứu, không sợ khi tiếp xúc trực tiếp với máu của tôi”, chị kể.
May mắn có người đàn ông nhà gần nơi chị Tâm bị tai nạn đã chở chị đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Khi thấy sàn ô tô lênh láng máu, người tài xế lo lắng cho tính mạng của chị Tâm nên mất bình tĩnh đã đi nhầm đường. Chị Tâm vẫn tỉnh táo động viên ngược: “Cháu vẫn chịu được. Chú cứ bình tĩnh”.
Bệnh viện tỉnh tiếp nhận và nhanh chóng chuyển chị Tâm từ Bắc Kạn xuống bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ngay trong đêm. Trên đường đi, chị Tâm vẫn rất bình tĩnh và tỉnh táo. Chị nói với chồng, chỉ cần chị còn sống là còn lo được cho con cái học hành. Chị động viên con gái bình tĩnh để sáng hôm sau hoàn thành tốt cuộc thi nghi thức Đội ở huyện...
Anh Lưu Đinh Sáu (chồng chị Tâm) run rẩy xin các bác sĩ bệnh viện Việt Đức cố gắng giữ chân cho vợ. Nhưng do tai nạn quá nghiêm trọng và nạn nhân mất máu quá nhiều, các bác sĩ đành cắt đi đôi chân của chị Tâm.
Nghị lực phi thường
Những tưởng chị Tâm sẽ gục ngã, suy sụp. Nhưng chị rất bình tĩnh đón nhận sự thật. “Tôi xác định chấp nhận số phận, vì có khóc lóc bi thương cũng không thể thay đổi được tình hình. Tôi thấy mình trở nên mạnh mẽ lạ thường. May mắn nhất là con trai tôi được an toàn. Đánh đổi đôi chân của mình cho sự bình an của con, tôi mãn nguyện vô cùng”, chị Tâm chia sẻ.
Không muốn trở thành gánh nặng cho chồng con, chị Tâm đã tự mình tập cho đôi tay quen với việc đi lại. “Tôi cố chống tay, nhấc cao người để mỏm cụt chưa lành hẳn ở chân không chạm xuống đất khi di chuyển. Tôi có thể tự vệ sinh cá nhân mà không cần chồng phải phụ giúp chỉ 1 tháng sau khi từ bệnh viện về nhà”.
Đôi chân không còn, công việc của người giáo viên hàng ngày đứng lớp trở nên mong manh. Nếu chị Tâm thất nghiệp, mọi gánh nặng đè lên vai anh Sáu chồng chị. Điều đó khiến chị không cam lòng.
“Tôi gặp tai nạn đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng lên, mọi hoạt động dạy và học đều chuyển sang chế độ online nên tôi không bị nghỉ ngày làm việc nào. Tôi cố gắng hết sức mình tập luyện để trở lại cuộc sống thường ngày một cách nhanh nhất", chị Tâm nói về "may mắn" trong công việc sau khi lâm nạn.
Bằng tất cả nỗ lực, quyết tâm, chỉ sau 3 tháng kể từ ngày ra viện, chị Tâm đã có thể đi lại trên đôi chân giả. Dù chưa thực sự vững chắc mỗi bước đi, dù các mỏm chân vẫn rất đau đớn khi tì đè lên đôi chân giả, cô giáo 8X vẫn tự mình đi 40km tham gia khóa học chính trị hè, chuẩn bị cho năm học mới.
Trao đổi với VietNamNet, thầy giáo Đoàn Thanh Bình (nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Dương Phong) cho biết: “Khi cô Tâm không may gặp tai nạn, nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ để cô hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Cô Tâm là Tổng phụ trách có năng lực giảng dạy, nhiệt tình và rất nghị lực vượt qua hoàn cảnh để hoàn thành tốt mọi công việc được giao”.
Cũng như nhiều người khuyết tật khác, mới đầu chị Tâm cũng thấy ngại, tự ti. Chị luôn cố gắng thể hiện mình là người bình thường, không muốn người khác chú ý tới mình. Tuy nhiên, sau này, khi nhận được những ân tình từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp... chị nhận thấy mình cần chia sẻ câu chuyện của mình, lan tỏa nghị lực sống làm động lực cho những người cùng cảnh ngộ.
"Bạn hãy nhẫn nại một chút, kiên trì một chút, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Hành trình đời người không phải luôn thuận lợi và bằng phẳng. Do đó, hãy học cách chấp nhận, học cách mỉm cười, lau khô giọt nước mắt và quên đi hết nhọc nhằn", chị Tâm nói.
Ảnh, clip: Nhân vật cung cấp