Nhất là khi việc làm ấy theo lời cô nói trong lúc bực tức là “cắt lem nhem, cắt cho xấu”. Câu chuyện còn cho thấy, có sự “vênh” trong suy nghĩ và hành vi giữa các thế hệ liên quan đến những quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, thời trang… những thứ góp phần làm nên “cái góc con người”.
Không cần văn vẻ, từ xưa, người Việt Nam đã biết dùng lối diễn đạt rất dung dị, đời thường để nói về “cái răng, cái tóc” của con người. Thế nhưng khi “cái răng cái tóc” đi vào nội quy, là nguyên nhân dẫn đến những hình phạt trong trường học trước sự chứng kiến của nhiều người, nó đã trở thành một “tình huống sư phạm” mang lại nhiều tâm trạng cho những người đã, đang và sẽ làm cha, làm mẹ, làm thầy của con trẻ.
Làm cho đau, làm cho xấu để sợ mà “chừa” là cách dễ nhất mà xưa nay người lớn hay dùng để trừng phạt trẻ con.
Những bà mẹ ở đông con, ít học, quanh năm quẩn quanh với ruộng mạ, heo gà để lo đủ cơm ăn ngày ba bữa cho cả nhà như má tôi và phần đông các bà mẹ nông thôn lâu nay, làm gì có đủ thời gian để thỏ thẻ tâm sự với con?
Họ làm gì đủ bình tĩnh, hay có nhiều kiến thức về giáo dục để mà lắng nghe, tỉ tê khuyên nhủ con cái khi chúng nghịch ngợm, phá phách?
Vì thế, đòn roi là cách các bà mẹ ít chữ như má tôi vẫn thường dùng để dạy con. Dù là để trút giận hay là răn đe, với chúng tôi, dù đã quá nửa đời người, mỗi khi nhớ về những trận đòn của má, vẫn không một lời oán trách.
Lũ trẻ con chúng tôi không chỉ lớn lên và thành người từ những hạt lúa, củ khoai thấm đẫm mồ hôi của ba má. Chúng tôi còn lớn lên và nên người nhờ cái cách bà tỉ mẩn xoa dầu lên những lằn roi ấy và những giọt nước mắt lặng lẽ giấu kín con cái của bà! Trong nhà đã vậy, ngoài xã hội càng không khác bao nhiêu.
Ở miền Nam trước năm 1975, mặc quần bách (ống loe) là mốt. Nhưng cũng có lúc, người ta xem những nam nữ thanh niên mặc quần ống loe là ăn chơi, mặc dù hai điều này chả ăn nhập gì với nhau.
Với con gái, cách nhìn ấy càng khắt khe hơn. Thế nên mới có chuyện cảnh sát xử phạt, cầm kéo xén quần ống loe của thanh niên giữa đường. Nhưng câu chuyện người cảnh sát phải ngồi khâu lại ống quần cho một cô gái, vì nhân viên của ông lỡ tay xé toạt quá mức cần thiết, đã khiến cô gái cảm động.
Còn tôi, dù ngày ấy chỉ mới 9 tuổi, cũng đã lờ mờ cảm phục về cách xử trí của vị cảnh sát nọ với dân.
Những năm sau giải phóng, áo quần, tóc tai lại trở thành chuyện quan tâm của nhiều người, thành tiêu chuẩn về đạo đức tác phong của lớp trẻ. Quần áo gọn gàng, tóc tai cắt ngắn như bộ đội được xem là mẫu mực.
Chàng trai, cô gái nào dám mặc quần ống loe, để tóc dài một chút, bị xem là “tàn dư của chế độ cũ”.
Chuyện thời trang hết loe lại túm, hết túm lại loe, âu cũng là bình thường. Xã hội thay đổi, cuộc sống giờ đã khá hơn. Giờ ai ăn gì, mặc gì, tóc dài hay tóc ngắn ra sao cũng chả ai có quyền cấm đoán, miễn là không “quá lố” trước đám đông.
Một khi quyền tự do cá nhân của con người được đề cao, được pháp luật bảo hộ việc bắt ép con người, nhất là giới trẻ phải gò mình theo suy nghĩ, quan niệm, gu thẩm mỹ, thời trang nào đó là đụng đến quyền tự do cá nhân, khi pháp luật không có điều khoản nào ngăn cấm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, một số môi trường có tính đặc thù, quyền tự do cá nhân có thể bị hạn chế một phần, trong một khoảng thời gian, không gian nhất định nhằm mục đích tạo ra tính riêng biệt mà môi trường học tập, công tác buột mọi cá nhân phải tuân thủ.
Trường học là một trong những môi trường đặc biệt như vậy. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà các trường học quy định học sinh mặc đồng phục? Cô giáo phải mặc áo dài, Thầy giáo phải đeo cà vạt trong một số sự kiện, nghi lễ đặc biệt.
Lại càng không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các trường THPT quy định nữ sinh không được trang điểm son phấn, không nhuộm tóc, sơn vẽ móng tay móng chân, không mặc áo dài màu khi đi học…
Ngôi trường vừa xảy ra chuyện ở Vĩnh Phúc cũng thế. Qua xác minh cho thấy, nhà trường có quy định học sinh đến trường, trang phục phải gọn gàng, màu tóc tự nhiên. Nội quy này tất cả học sinh đều đã cam kết vào đầu năm học.
Đã là nội quy phải chấp hành, khi nội quy ấy không trái với pháp luật và những quy tắc đạo đức thông thường. Ai không chấp nhận nó thì tìm một môi trường khác.
Thế nên, chỉ vào dịp hè, hay những kỳ nghỉ dài ngày, học sinh mới đi nhuộm tóc hay sơn móng, mặc quần áo thời trang nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, vào năm học, tất cả phải trở về nền nếp cũ.
Vì vậy, khi Tết đã qua gần 2 tháng học sinh vẫn còn tóc nhuộm vàng là vi phạm nội quy nhà trường. Lỗi đầu tiên ai cũng thấy là thuộc về học sinh.
Có thể cô giáo vì lấy lý do thực hiện nội quy, lại đã nhắc nhở nhiều lần, học sinh cũng đã hứa nhưng chưa thực hiện mà hành động quá đà, cắt tóc nữ sinh ngay tại lớp để răn đe.
Thế nhưng, cô đã quên nguyên tắc cơ bản trong môi trường sư phạm là phải tôn trọng học sinh. Mục tiêu của nội quy trường học là để giáo dục học sinh chứ không phải nhắm đến việc xử phạt.
Bêu rếu, bôi nhọ học sinh lại càng không. Kim chỉ nam trong hoạt động giáo dục là lắng nghe, thấu hiểu để từ đó có cách giáo dục tinh tế, linh hoạt và hiệu quả. Ngay cả khi học sinh vi phạm nội quy của nhà trường, thầy cô giáo cũng không nên quá cứng nhắc, cần có cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt để các em nhận ra lỗi của mình.
Từ đó, trò rút ra bài học cho bản thân, thầy cô vẫn giữ được cái uy của người dạy học, lại vừa thể hiện tình thương yêu học trò – yếu tố cơ bản làm nên hình ảnh đáng trân trọng của người thầy cô trong cuộc đời một con người.
Học sinh ở tuổi học trung học, nhất là THPT, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Nhiều em có sở thích làm đẹp hoặc thể hiện cá tính như: Sơn móng tay, móng chân, mặc váy ngắn, áo rộng, dùng son phấn, nước hoa, đi giày hầm hố, làm tóc xoăn, nhuộm tóc màu, thậm chí là xăm một vài họa tiết nhỏ trên tay… Các em mong muốn thể hiện bản thân và được người khác ghi nhận.
Đây là sự thay đổi bình thường trong sự phát triển tâm lý và hoàn thiện tính cách của con người. Điều ấy cần được tôn trọng thay vì chì chiết, đay nghiến, phê phán bởi cách nhìn khắt khe của người lớn…
Là nhà sư phạm, là cha, là mẹ, là người bạn lớn tuổi của các em, thầy cô giáo phải bằng năng lực làm chủ cảm xúc và tình yêu thương lớn lao mà kiên nhẫn lắng nghe, cảm thông và bao dung với học trò, lấy sự cảm hóa làm chìa khóa thành công cho quá trình giáo dục.
Mọi hành xử trong cuộc sống, trong đó có việc xử lý các tình huống sư phạm luôn đòi hỏi thầy cô giáo phải biết tạm gác cái tôi cá nhân, để lắng nghe học sinh bằng thái độ nghiêm túc và chân thành, chia sẻ. Khi đó, thầy cô giáo sẽ có cách hành xử đúng mực các tình huống nảy sinh.
Hành động thiếu tính sư phạm trong lúc nóng giận của cô giáo ở Vĩnh Phúc không chỉ là bài học kinh nghiệm cho riêng cô. Đó là bài học cho tất cả những người lấy phấn trắng bảng đen làm nghề nghiệp, xem việc trưởng thành của học sinh là lẽ sống.
Cô và trò đã ôm nhau cùng xin lỗi. Một cái ôm làm dịu lại cơn giận dữ của những người trong cuộc và cả những người quan tâm đến giáo dục.
Đó là một cái kết rất nhân văn, khi mỗi người đều nhận ra lỗi của mình. Một khi đã nhận ra lỗi, tôi tin lỗi ấy sẽ không tái phạm, để “mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”!
Vân Thiêng
Cắt tóc nữ sinh ngay giữa lớp: 'Hành xử thô thiển gây tác dụng ngược'
Xôn xao cô giáo Vĩnh Phúc cắt tóc nữ sinh ngay tại lớp