Hơn 22 năm công tác, cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc luôn tận tụy với công việc. Sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, cô cảm nhận được sự lãng quên của xã hội hiện đại với dòng tranh dân gian có tên Hàng Trống và tự cảm thấy mình cần có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn dòng tranh quý.
Sau nhiều ngày trăn trở, cô Ngọc đã mạnh dạn tìm gặp ông Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống đang sống ở Hà Nội để tìm hiểu kỹ quy trình làm tranh, từ đó học cách đưa tranh đến với học sinh một cách đơn giản nhất, giúp các em dễ tiếp nhận.
Cô Ngọc cho biết, mọi công đoạn từ làm khuôn, in, tô tranh cô đều được nghệ nhân truyền dạy kỹ lưỡng. Với những kiến thức đó, cô thêm tự tin đưa dòng tranh dân gian Hàng Trống đến với học sinh.
“Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết, các khuôn in cổ với chất liệu gỗ mít xưa không còn nhiều. Tôi đã tìm tới các cửa hàng có khuôn in gỗ, lựa chọn những hình ảnh gần gũi với trẻ em như cá chép trông trăng, chim công, gà trống...
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, tôi gặp khó khăn khi chạm trổ những chi tiết uốn cong, những nét mảnh, nhỏ bởi gỗ là chất liệu cứng, đòi hỏi người làm khuôn phải rất cẩn thận, khéo léo. Ngoài ra, khuôn in gỗ ép rất khó tạo hình, khi tô màu còn dễ bị loang và không thể sửa lại. Như vậy gây khó cho cả học sinh lớn, huống chi các em mầm non. Hoang mang, thất vọng là cảm giác lúc ấy của tôi”, cô Ngọc bày tỏ.
Nữ giáo viên bắt đầu hành trình đi tìm chất liệu với tiêu chí đầu tiên là mềm, dễ tạo hình và tô màu mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với học sinh mầm non.
“Suy nghĩ tới mất ngủ, tôi đau đáu phải tìm ra chất liệu mới, nếu không việc đưa tranh Hàng Trống tới học sinh chắc chắn sẽ thất bại. Thế rồi, tôi chợt nghĩ đến việc dùng nguyên liệu xốp làm khuôn in. Xốp mềm vừa dễ cắt, dễ tạo hình, tô màu không loang, và nếu có tô sai thì có thể lau đi. Từ đây, những bộ khuôn in được ra đời với hình bộ tố nữ, chim công, cá chép trông trăng, gà trống”, cô Ngọc kể lại.
Cô vẫn nhớ như in cảm giác vui sướng lúc bấy giờ - sau đêm tìm ra nguyên liệu xốp, cô tới trường thật sớm, ôm chặt cô hiệu trưởng, các chị em đồng nghiệp ở trường - những người luôn động viên, gợi ý cho cô trong hành trình tìm chất liệu mới.
“Việc lựa chọn xốp làm nguyên liệu khuôn in thay thế khuôn bằng gỗ theo người xưa thực sự đã tiết kiệm rất nhiều chi phí. Quan trọng là học sinh mầm non dễ thực hiện, vệ sinh và trẻ dễ dàng tạo hình nên các con đã có trải nghiệm làm tranh hứng thú và tích cực. Qua hoạt động này, tôi kỳ vọng trẻ nhớ được quy trình tạo hình làm tranh Hàng Trống, biết sử dụng kỹ thuật in, vẽ, tô màu để thể hiện cảm xúc của mình; qua đó hiểu ý nghĩa, nội dung, giá trị nghệ thuật của tranh dân gian”, cô Ngọc chia sẻ.
Việc làm tranh bằng vật liệu thay thế có thể không đạt giá trị nghệ thuật như vật liệu truyền thống nhưng những bức tranh cô Ngọc tạo từ khuôn in bằng xốp có bản sắc, giá trị riêng và quan trọng là phù hợp với học sinh mầm non.
Cô Ngọc nhớ lại những ngày đầu làm quen với tranh Hàng Trống, có em vô tình đổ mực tô ra tranh, có bạn tô đậm quá loang mực, có học sinh làm rách tranh... cô lại tỉ mỉ hướng dẫn cách khắc phục và làm lại, vì thế tới giờ bạn nào cũng tô tranh rất đẹp.
Bà Lương Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung cho biết, tiết học làm tranh dân gian Hàng Trống của cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc luôn được học sinh mong chờ và thích thú khi tham gia.
“Tôi vẫn hay nói với giáo viên rằng, sự sáng tạo dù nhỏ cũng rất đáng trân trọng, bởi từ cái nhỏ mới có thể phát triển và sáng tạo để trở thành cái lớn hơn. Chỉ cần giáo viên có ý tưởng và tâm huyết, chúng tôi sẵn sàng đồng hành”, bà Nga cho hay.
Trong quá trình công tác, cô Ngọc đã nhận được nhiều phần thưởng như: Giải Nhất hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố; nhiều năm đạt danh hiệu Người tốt việc tốt và Chiến sĩ thi đua; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học quận Hoàn Kiếm công nhận.
Mới đây nhất, cô Ngọc đã nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” với đề tài dự thi là tổ chức cho trẻ tạo hình về Tranh dân gian Hàng Trống, qua đó giúp trẻ cảm nhận được cái đẹp của dòng tranh dân gian truyền thống của dân tộc.