Hiệu trưởng một trường THCS ở Vĩnh Phúc (xin giấu tên) mới đây đã chia sẻ câu chuyện về tác hại mà học sinh gặp phải khi hút thuốc lá điện tử và trải nghiệm sơ cứu thành công một nam sinh lớp 9 bất tỉnh do sốc thuốc lá điện tử.
Cô giáo kể, đó là đầu giờ vào lớp một buổi sáng tháng 3/2021. Trời mưa to, cô hiệu trưởng đi một vòng kiểm tra cơ sở vật chất. Khi đi qua một lớp 9 của trường, cô thấy các học sinh nhốn nháo gọi mình vào, một nam sinh bất động gục trong lớp, miệng sủi bọt.
Lần đầu tiên gặp tình huống này, rất nhanh chóng, cô đã yêu cầu các bạn trong lớp giãn ra, bế học sinh nằm lên bàn. Kiểm tra động mạch cổ không thấy mạch đập, cô cho biết khi đó đã vô cùng “hãi hùng”.
Nhờ bài học thực hành kỹ năng sơ cấp cứu được học qua tập huấn trước đó của Sở, vị hiệu trưởng đã xác định vị trí tim rồi thực hiện ngay việc ép tim ngoài lồng ngực cho học sinh. Sau khoảng 5 phút, nam sinh này dần hồi tỉnh. Nhà trường sau đó đã đưa em ra trạm y tế để tiếp tục cấp cứu.
Sau đó, nhà trường đã mời công an và phụ huynh học sinh vào cuộc. Qua xét nghiệm, kết quả xác định học sinh này bị sốc do sử dụng thuốc lá điện tử.
Qua tìm hiểu, cô hiệu trưởng cho biết, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin, dùng để làm nóng dung dịch tinh dầu lỏng, biến dung dịch này thành hơi để người hút có thể hít vào phổi. Dung dịch này thường có chứa Nicotine – một chất gây nghiện, hương liệu và các chất phụ gia khác.
Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử rất dễ bị say, sốc thuốc khiến đờ đẫn, ngất, bất tỉnh. Nhiều trường hợp dẫn đến những tai nạn thứ phát do té ngã bất ngờ, gây chấn thương đầu hoặc thân thể.
Không chỉ trong lớp học, mà nhà vệ sinh của ngôi trường THCS này cũng được treo biển cấm hút thuốc và truyền thông các tác hại của thuốc lá cho học sinh. |
Cô hiệu trưởng cho biết, thực trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử trong nhà trường nói chung hiện rất đáng báo động.
Nghịch cảnh là khi thầy cô thường xuyên truyền thông, nói chuyện về tác hại của ma túy và các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá và thuốc lá điện tử, kết hợp nhiều biện pháp quán triệt học sinh không được thử dù chỉ một lần, vì thế một bộ phận nhỏ học sinh thường lén lút, giấu diếm sử dụng. Các em thường theo hội, nhóm nhỏ, tìm những chỗ vắng vẻ, kín đáo như nhà vệ sinh, nơi ít người lui tới để thể hiện cái được cho là đẳng cấp, sự sành điệu khi bắt kịp “hot trend”, hoặc thể hiện sự nổi loạn, bất cần tuổi mới lớn…
Do đó, rất cần sự quan tâm, chung tay cảnh báo của nhà trường, gia đình và xã hội.
Hoàng Lan
Những hình ảnh 'khác thường' của một hiệu trưởng
Mới đây, những bức ảnh chụp vội, có chất lượng không cao về một thầy hiệu trưởng trường tiểu học đã nhận về hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận.