Theo bà Tammy Phan, Giám đốc Tiếp thị phụ trách thị trường Việt Nam của Google châu Á Thái Bình Dương, tất cả các mạng di động lớn tại Việt Nam hiện nay đều xây dựng ứng dụng riêng của họ, thậm chí một nhà mạng sở hữu vài ứng dụng. Việc phát triển app trên smartphone là hướng đi tất yếu, vì đây là công cụ tối ưu để giao tiếp và cung cấp dịch vụ đến người dùng. Ngoài ra, ứng dụng trên điện thoại thông minh còn giúp các telco xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích hành vi khách hàng, dự báo các xu hướng sắp tới.
Có được lượng thuê bao hàng chục triệu người, nhà mạng đứng trước cơ hội lớn để khai thác kinh doanh trên ứng dụng. Trong đó, mảng thanh toán và giải trí nổi lên như những lĩnh vực có thể được khai thác hiệu quả.
Những số liệu nghiên cứu về thuê bao trả trước sử dụng ứng dụng của nhà mạng tại Việt Nam cho thấy, người dùng có xu hướng trung thành với ứng dụng, và họ có những thói quen có thể giúp nhà mạng khai thác kinh doanh ở mảng thanh toán và giải trí.
Theo số liệu do đại diện Google công bố hôm nay (3/6) tại sự kiện Vietnam Mobile Day, những thuê bao trả trước thường thích sử dụng app của nhà mạng vì sự thuận tiện và dễ dùng. Có tới 83% người được khảo sát cho hay muốn dùng app của công ty viễn thông như một phương tiện thanh toán trong tương lai. Điều này mở ra một cơ hội lớn cho các nhà mạng tích hợp các phương tiện thanh toán trong ứng dụng của họ.
Video có thể là nội dung giải trí tiềm năng nên được khai thác trên ứng dụng của nhà mạng. (Ảnh: Hải Đăng) |
Các thuê bao trả trước có xu hướng trung thành với ứng dụng của nhà mạng, chủ yếu vì tính thuận tiện (71% ý kiến). Hơn một nửa người dùng sử dụng app vì lý do muốn quản lý gói cước họ đang đăng ký. Trong khi đó, 41% người vì đang dùng ứng dụng nên sẽ tiếp tục dùng nó.
Bên cạnh các lý do chủ quan nêu trên, tác động từ các telco cũng khiến thuê bao tiếp tục gắn kết với app. Cụ thể, 21% người dùng ứng dụng vì được khuyên rằng app sẽ liên tục cập nhật các thông tin dịch vụ.
Ngoài ra, nhờ lợi thế sở hữu mạng lưới và có tệp người dùng sẵn, nhà mạng có thể khai thác thêm mảng giải trí trên ứng dụng của họ.
Bà Tammy Phan đánh giá mảng giải trí trên ứng dụng telco hiện nay khá ít, do đó còn khoảng trống để các nhà mạng nhảy vào khai thác. Những bên khai thác sớm sẽ tăng được độ nhận biết của người dùng và cơ hội mở rộng thị trường.
Theo thống kê, hiện có 23% người dùng vào ứng dụng của mạng viễn thông để chơi game, 18% nghe nhạc, và 16% xem các video giải trí.
Trong các nội dung thuần giải trí, video được xem là mảng kinh doanh màu mỡ. Khảo sát cho thấy những người vào app để giải trí thường hài lòng với nội dung video. Có đến 9/10 người truy cập nội dung giải trí trên app sẽ tiếp tục truy cập các nội dung này hàng tuần. Trong đó, nội dung video đạt được sự hài lòng thứ hai trong tất các các nội dung được cung cấp trên ứng dụng.
Giải trí nên được xem là một phần tất yếu, một mảng kinh doanh cần thiết của mạng viễn thông. Theo số liệu, 72% người dùng đánh giá nội dung giải trí rất hấp dẫn khi xem, 67% người người cho rằng nội dung giải trí đang hiện diện rộng khắp.
Mặc dù ứng dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, song đại diện Google cho rằng các ứng dụng cần được xây dựng dễ hiểu, có thông tin, mang nhiều tiện ích cho người dùng. Bởi trên thực tế, rất nhiều người đã cài đặt ứng dụng nhưng không bao giờ sử dụng.
Trung bình, 38% người dùng từng cài app nhưng chưa bao giờ dùng. Tỷ lệ này ở riêng mảng telco là 29%, các mảng khác cao hơn (bán lẻ: 32%, tài chính: 53%). Điều này cho thấy những người cài đặt ứng dụng telco có xu hướng gắn bó hơn.
Những lý do khiến người dùng đã cài app nhưng không dùng: 21% cho rằng ứng dụng thiết kế phức tạp, 19% chê việc đăng ký khó khăn, 17% thậm chí không hiểu ứng dụng cung cấp tiện ích gì. Trong khi đó, cũng có khoảng 15% người cần được hướng dẫn sử dụng.
Hải Đăng
5G sẽ đem lại 1,5 tỷ USD cho các nhà mạng Việt Nam vào năm 2025
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhấn mạnh, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai.