Hội thảo do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức tại Khách sạn Pan Pacific, Số 1 Đường Thanh Niên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Sự kiện diễn ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều cơ hội tiếp cận với đa dạng các nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp FDI để mở rộng thị trường cũng như học hỏi về công nghệ, trình độ quản lý.
Chương trình hội thảo hấp dẫn với 5 hoạt động chính. Trong đó, hoạt động thứ nhất là “Kết nối nhà đầu tư Hàn Quốc” được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các khoản vay dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới.
Theo đó, Ban tổ chức mời 10 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo (Ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp đã có dự án, có nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng vốn đầu tư còn hạn hẹp,...) tham gia. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội giới thiệu về công ty, dự án sản xuất trước 52 nhà đầu tư, tổ chức tín dụng của Hàn Quốc.
Hoạt động thứ hai là giới thiệu trang thiết bị đã qua sử dụng. Hiện nay, Hàn Quốc đang có nhu cầu nhượng lại một số trang thiết bị, máy móc đã qua sử dụng. Các doanh nghiệp Việt có thể tìm hiểu và nhận sự tư vấn mua bán trực tiếp với các nhà cung cấp sau khi thống nhất vấn đề về giá cả và khả năng thông quan.
Hoạt động thứ ba là tư vấn, xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng Hàn Quốc. Ban tổ chức phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại nước ngoài (OKTA) tiến hành kết nối khách hàng Hàn Quốc với sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu dựa trên kết quả của việc khảo sát thông tin. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng Hàn Quốc sẽ được trực tiếp giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như nhận sự tư vấn, hỗ trợ về vấn đề này.
Hoạt động thứ tư là nội địa hóa linh kiện, phụ tùng. Theo ban tổ chức, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam. Cụ thể, KIA có nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng cho hơn 50 linh kiện, phụ tùng cho dòng xe tải điện cỡ nhỏ; Cevo (doanh nghiệp xe điện siêu nhỏ) và Dipiko (doanh nghiệp xe tải điện nhỏ) có nhu cầu kết nối với các đối tác địa phương để đặt nhà máy tại Việt Nam; Kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc với nhà sản xuất OEM Việt Nam với sản phẩm là máy biến áp.
Hoạt động thứ năm là thương mại hóa công nghệ. Ban tổ chức phối hợp với Trung tâm Thương mại hóa Công nghệ kỹ thuật – Đại học Công nghệ Hàn Quốc bố trí 01 khu vực bàn tư vấn nhằm giới thiệu về giấy chứng nhận công nghệ cũng như các giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm do Trung tâm sở hữu, cũng như hướng dẫn về quy trình cấp chứng nhận.
Trong khuôn khổ hội thảo, mỗi hoạt động sẽ có khu vực bàn tư vấn được bố trí để hai bên doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi.
Văn Quý