Khẳng định cam kết đồng hành với doanh nghiệp công nghệ số
Ngày 26/3, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị lần hai về hợp tác số toàn cầu, với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài”. Đây là sự kiện tiếp nối của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài được Bộ TT&TT khởi động từ tháng 2/2023.
Tại hội nghị đầu tiên của chiến dịch, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ: “Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được”. Người đứng đầu ngành TT&TT cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới bằng cách Việt Nam, đi con đường Việt Nam.
Là sự khẳng định cam kết đồng hành của Bộ TT&TT và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, hội nghị lần này tập trung cung cấp tới các doanh nghiệp công nghệ số trong nước những thông tin tổng hợp về tình hình và thị trường thế giới cùng những phân tích, đánh giá về tiềm năng, cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam.
Thông tin tới các doanh nghiệp, tổ chức dự hội nghị ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, năm nay Bộ TT&TT tiếp tục tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường, khai thác các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở các nước trên thế giới. Chương trình gồm các hội nghị, diễn đàn ở trong và ngoài nước, tổ chức các gian hàng tại những triển lãm hàng đầu thế giới về ICT và công nghệ số.
Ở góc độ của đơn vị được Bộ TT&TT giao trách nhiệm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu, bên cạnh việc điểm ra các lĩnh vực mà doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có ưu thế, tiềm năng phát triển tại thị trường ngoại, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thanh Tuyên cũng tổng hợp 7 bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp Việt đã thành công tại thị trường Nhật Bản.
Tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tự tin ra thế giới
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế số và xã hội số trên toàn cầu, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác ở các nước trên thế giới.
Đánh giá việc hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thị trường quốc tế là chủ trương đúng đắn, ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho biết: “Miếng bánh”, cơ hội ở thị trường nước ngoài còn rất nhiều. Có thể kể đến một số cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại thị trường quốc tế như: Các nước đều có chính sách cho chuyển đổi số và đầu tư cho công nghệ, hợp tác số được nâng tầm, nâng cấp trong quan hệ với các nước và các hoạt động đối ngoại; hay cụ thể như Ấn Độ đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực...
Đại diện các cơ quan chuyên môn của 4 bộ: TT&TT, Ngoại giao, KH&ĐT, Công Thương đều thống nhất rằng, để phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Do vậy, việc hiểu về thị trường, về năng lực và thế mạnh của mình là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp có những bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới.
Cũng vì thế, phần lớn thời gian của hội nghị lần này đã được dành cho đại diện các cơ quan thương mại và đầu tư của Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, châu Âu chia sẻ, cập nhật thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về nhu cầu thị trường, các quy định, và đặc biệt là các chính sách khuyến khích và ưu đãi, thu hút đầu tư.
Theo chia sẻ của bà Eunjung Han, Phó Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham, Liên minh Châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ cho chuyển đổi kỹ thuật số trong những năm tới, thể hiện qua đề xuất gần đây cho chương trình “Châu Âu kỹ thuật số” dự kiến kéo dài đến năm 2027.
Là chương trình tài trợ đầu tiên chỉ dành riêng cho hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Âu, “Châu Âu kỹ thuật số” cung cấp nguồn tài trợ chiến lược, hỗ trợ các dự án trong 5 lĩnh vực, năng lực chính gồm: Siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, kỹ năng kỹ thuật số tiên tiến và đảm bảo sử dụng rộng rãi các công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế xã hội.
Bà Eunjung Han cũng lưu ý, khi doanh nghiệp Việt Nam tìm cách mở rộng hoạt động sang châu Âu, điều cần thiết là phải nắm bắt được khung pháp lý quản lý đầu tư và các chương trình ưu đãi được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho nước ngoài tham gia vào nền kinh tế Liên minh châu Âu.
Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), ông Takeo Nakajima cho biết, thị trường Nhật đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thâm nhập, trong đó thành công hơn cả là FPT. “Để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản không cung cấp các hỗ trợ về tài chính, thuế. Tuy nhiên, chúng tôi cung cấp nhiều hỗ trợ mềm, ví dụ các hoạt động liên quan đến đăng ký, kết nối kinh doanh, tư vấn hỗ trợ về mô hình kinh doanh, hoặc hỗ trợ các hoạt động và chương trình R&D”, ông Takeo Nakajima thông tin.
“Những nội dung được các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước chia sẻ tại hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thêm dữ liệu, sở cứ để xem xét, đánh giá và đưa ra các quyết sách, có thêm tự tin để có các kế hoạch, mục tiêu mới trên con đường chinh phục và phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trên toàn cầu”, đại diện Bộ TT&TT nhận định.
Khép lại năm 2023, thống kê cho thấy, 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong hơn 200 dự án đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực TT&TT, các dự án viễn thông có quy mô lớn hơn và tập trung ở các nước châu Phi; các dự án CNTT có quy mô nhỏ, tập trung ở Singapore, Mỹ, Nhật Bản. |