Điện thoại, linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu quan trọng
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.
Công nghiệp điện tử của Việt Nam chủ yếu sản xuất sản phẩm như điện thoại các loại, máy tính bảng, bo mạch chủ, màn hình, tivi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học… Nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã vươn lên trở thành nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2013.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 11 tháng qua.
Theo thống kê, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện chỉ đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức tăng trưởng của nhóm hàng này liên tục tăng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn kể từ 2011. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân cả giai đoạn 2011-2021, tốc độ tăng trưởng cửa nhóm này đạt tốc độ bình quân là 34%.
“Cơ hội sáng” phát triển ngành công nghiệp điện tử
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có đặc thù bởi là một trong những ngành thu hút nhiều lao động và ngoại hối nhất, phụ thuộc vào nhà sản xuất đầu chuỗi. Các doanh nghiệp FDI đóng góp chủ đạo trong chuỗi cung ứng...
Trong cơ cấu ngành công nghệ điện tử, tỉ trọng sản xuất điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam, tiếp đó là sản xuất máy vi tính, các thiết bị ngoại vi. Năm 2019, Việt Nam chỉ có chưa tới 1 triệu lao động nhưng đã tăng lên 1,3 triệu vào năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 60%.
Bà Hương cho rằng, trong 5 năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử, đóng góp lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 13% mỗi năm.
Trong các doanh nghiệp FDI, Samsung đứng đầu tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, tiếp đó là LG. Trong Top 20 công ty điện tử công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, hơn một nửa doanh nghiệp đã có mặt và đặt nhà máy tại Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường chung bị biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia.
Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính; tăng cường thu hút FDI. Bên cạnh đó, các nước lớn cũng đang đẩy mạnh liên kết kinh tế song phương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên theo bà Hương, công nghiệp điện tử còn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, chính sách chưa theo kịp sự thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt cũng như thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo được dòng vốn FDI. Cùng với các thách thức an ninh phi truyền thống, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và sáng tạo.
Để giải quyết vấn đề này, bà Hương khuyến nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư vào các công ty hàng đầu, vừa và nhỏ. Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hoá. Về chính sách, cần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số. Tận dụng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, đồng thời, có chiến lược thu hút FDI có chọn lọc.