Thách thức đầu tiên sẽ là đòi hỏi những nhận thức mới từ sự hiểu biết của các nhà quản lý và hoạch định chính sách về nhu cầu, xu hướng và thị trường du lịch. Điều này sẽ bao gồm những đòi hỏi ở mọi cấp khác nhau, ví dụ:
Một chính sách thị thực cởi mở và linh hoạt, không chỉ quan tâm đến việc mở rộng hơn nữa diện miễn thị thực đến các thị trường du lịch chính, mà các yếu tố khác cũng quan trọng không kém, là kéo dài thời gian lưu trú của khách được miễn thị thực, ví dụ từ 15 ngày hiện nay lên 45 ngày, thoả mãn được nhu cầu đi du lịch dài ngày của phần lớn du khách.
Việc cấp thị thực cho các du khách và việc gia hạn thị thực cũng nên được chuyển đổi và hướng đến số hoá phần lớn các dịch vụ này. Mục tiêu của chính sách và các giải pháp thị thực có lẽ cần được xác định như một chỉ tiêu cạnh tranh của chúng ta với các đối thủ chính trong khu vực, như Thái Lan hay Indonesia. Chúng ta cũng cần và sớm xây dựng chính sách thị thực phù hợp như thị thực du mục số, khi các kinh nghiệm của các điểm đến tương tự như Bali để tham khảo.
Trong ngắn hạn, những cải thiện về chính sách thị thực cũng như việc triển khai hiệu quả thị thực điện tử chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khách du lịch quốc tế, vốn đang ngần ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
Xu hướng cá nhân hoá và coi trọng các trải nghiệm địa phương sẽ đòi hỏi sự linh hoạt và thúc đẩy xây dựng các sản phẩm mới có tính cá thể hoá cao. Chẳng hạn, cần coi việc chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long là một dịch vụ thông thường hơn là đòi hỏi việc quản lý quá chặt chẽ như hiện nay, các quốc gia khác cũng không cần làm như vậy đối với một hoạt động thông thường như việc chèo kayak ở các vùng nước lặng.
Những đòi hỏi thái quá về quản lý không chỉ hạn chế phát triển của các dịch vụ, mà còn hạn chế trải nghiệm của du khách về một khía cạnh khác của thiên nhiên ở Việt Nam. Nhiều dịch vụ du lịch khác cũng sẽ đòi hỏi ứng xử linh hoạt và phù hợp từ cơ quan quản lý, ví dụ đòi hỏi cao về các thủ tục và giấy phép điều khiển thuyền sẽ không cho phép chúng ta triển khai thuyền chạy động cơ điện vận tốc rất thấp cho du khách tự điều khiển tại các điểm du lịch sông hồ.
Cổng dịch vụ số quốc gia cho du khách, tích hợp thị thực, hướng dẫn và quảng bá sẽ là yếu tố quan trọng và nên được ưu tiên xây dựng, với mục tiêu hướng đến các dịch vụ được cá nhân hoá cho du khách. Một cổng dịch vụ số quốc gia cho du khách sẽ và nên bao gồm đầy đủ các hướng dẫn và dịch vụ, từ các thông tin và dịch vụ về thị thực, về các cơ quan đại diện Việt Nam tại các quốc gia sở tại của du khách, thông tin về các quy định, và các dịch vụ phổ biến tại các điểm du lịch của Việt Nam,... và tất nhiên, các thông tin quảng bá khác để hướng dẫn du khách. Một cổng dịch vụ công như vậy cần thiết và nên được xây dựng như một dự án hợp tác công tư, kết hợp giữa các cơ quan nhà nước liên quan và các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, các địa phương.
Một trong những khâu chúng ta luôn bị coi là yếu lâu nay là việc quảng bá du lịch, nhưng giờ đây, với những thay đổi và các xu hướng du lịch mới, quảng bá số sẽ trở thành ưu tiên quan trọng hơn và đòi hỏi cách tiếp cận hiệu quả và linh hoạt hơn, để thông tin quảng bá có thể đến được với từng cá nhân ở các thị trường tiềm năng.
Thực hiện quảng bá số không chỉ đòi hỏi kinh phí, mà còn là cách tiếp cận linh hoạt, hiệu quả và năng động của các cơ quan quản lý, cũng như đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch, hàng không, không chỉ ở Việt Nam. Quảng bá số cũng sẽ cần hướng đến các địa bàn tiềm năng, nơi các du khách đang cư trú, chứ không phải chỉ như hiện nay là phát sóng trên một vài kênh truyền hình quốc tế nào đó.
Chuyển đổi số và những nỗ lực của khu vực tư, của các doanh nghiệp đòi hỏi sự kết hợp và hiểu biết sâu sắc những nhu cầu và xu hướng của du khách, cũng như các tiềm năng của du lịch Việt Nam. Các giải pháp chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở việc triển khai các công cụ quản lý cho phép giao tiếp cá nhân hiệu quả với du khách, mà còn là các tiện ích phù hợp cho các hoạt động quản trị, giúp phản ứng kịp thời và hiểu biết tốt hơn các nhu cầu của du khách. Xu thế mua mọi thứ trên điện thoại thông minh cũng sẽ buộc mọi doanh nghiệp và cá nhân gắn với chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch phải có hiểu biết sâu sắc và phản ứng tốt hơn, áp dụng hiệu quả hơn các dịch vụ số cung cấp cho du khách.
Các sản phẩm du lịch có tính cá thể hoá cao, mang nhiều hàm lượng văn hoá bản địa và trải nghiệm cho du khách sẽ vừa là điểm mạnh, vừa là thách thức to lớn cho du lịch Việt Nam những năm tới. Một lần nữa, đòi hỏi về sự linh hoạt, hiệu quả từ cơ quan quản lý là rất quan trọng để giảm thiểu các rào cản không cần thiết cho sự ra đời của các dịch vụ du lịch, ngày một đòi hỏi nhiều hơn về tính độc đáo và cá nhân hoá cao.
Với xu thế mới, các dịch vụ du lịch đô thị sẽ lên ngôi, khi du khách sẽ ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi đến các đô thị chính. Tuy vậy, để có được các dịch vụ phù hợp, từ các tour ngắn ngày phù hợp, đến các trải nghiệm văn hoá và cuộc sống bản địa được thiết kế phù hợp sẽ đòi hỏi nhiều công sức của cả các đơn vị cung cấp lẫn sự linh hoạt của cơ quan quản lý.
Staycation và xu thế nghỉ dưỡng sẽ giúp củng cố và tạo dựng một trụ cột của ngành du lịch từ các sản phẩm du lịch nội địa. Tuy nhiên, các dịch vụ staycation và các sản phẩm nghỉ dưỡng, lưu trú phục vụ khách ở dài ngày sẽ rất quan trọng để thu hút khách du lịch từ các quốc gia trong khu vực. Sẽ hợp lý khi định hướng khai thác nhóm du khách này cho các dịch vụ nghỉ dưỡng bờ biển vốn đang vắng khách của chúng ta.
Việt Nam thật sự là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển khách du lịch, nhờ vào những thế mạnh về văn hoá bản địa, thiên nhiên khác biệt và lịch sử. Tuy nhiên, kết quả của du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng. Khai thác những tiềm năng ấy sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực, không chỉ từ chính phủ và các cơ quan quản lý, mà còn từ các doanh nghiệp. Những nỗ lực đầu tiên và hiệu quả từ các cơ quan quản lý là rất quan trọng, không chỉ ở việc tháo gỡ các điểm nghẽn đang cản trở ngành du lịch phát triển, mà còn là nền tảng cho hợp tác công tư để phát triển du lịch trong thời kỳ thay đổi này.
Phạm Quang Vinh