Nói đến cách mạng công nghiệp là nói đến sự thay đổi lớn mang lại trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhìn lại lịch sử, con người đã trải qua nhiều cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn. Mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất và sự thay đổi này được tạo ra bởi sự đột phá của khoa học và công nghệ.
Trải qua 3 cuộc CMCN, lần thứ nhất bắt đầu ở nước Anh vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, đến cuộc CMCN lần thứ 2 khởi xướng từ thế kỷ 19, kéo dài đến đầu thế kỷ 20 và cuộc CMCN lần thứ 3 diễn ra vào những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet, tạo nên một thế giới kết nối. Các cuộc CMCN đã thực hiện thành công đều có sự đóng góp rất quan trọng của ngành cơ khí chế tạo. Đến cuộc CMCN 4.0 cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Trước thực tế đó, Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan cần nghiên cứu và đưa ra những chiến lược, chính sách và những giải pháp phù hợp, để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.
Cơ khí Bắc Ninh: Cơ hội và thách thức |
- Hiện trạng của cơ khí Bắc Ninh
Toàn tỉnh tính đến năm 2020 có khoảng hơn 660 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực cơ khí và sản xuất kim loại, chiếm trên 12,5% tổng số cơ sở sản xuất toàn ngành. Chủ yếu vẫn là các cơ sở thuộc ngành sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại thuộc các làng nghề sắt thép ở xã Châu Khê, Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Nhìn chung, sản xuất ngành cơ khí và sản xuất kim loại tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn này có tốc độ tăng trưởng ổn định, tuy nhiên hầu hết các cơ sở sản xuất vẫn tập trung tại các làng nghề như các làng nghề sắt thép ở xã Châu Khê, Đình Bảng, thị xã Từ Sơn chủ yếu là tái chế từ phế liệu và phôi liệu nhập khẩu. Tuy nhiên có một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao như sản xuất thép và sản phẩm kim loại và thiết bị động cơ tăng cao, nhưng chưa đạt được những nội dung của quy hoạch trong giai đoạn này cụ thể chưa đổi mới công nghệ sản xuất chế tạo thép cấu hình, gia công chế tạo các loại linh kiện kim loại chính xác, chế tạo máy gia công cơ khí và các loại linh kiện máy móc thiết bị..... Trên địa bàn đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất cơ khí sản xuất thiết bị cho ngành ô tô xe máy và chế tạo khuôn với thiết bị tương đối hiện đại và công tác quản trị doanh nghiệp tốt.
Sản phẩm cơ khí đòi hỏi công nghệ cao |
Sản phẩm ngành cơ khí và sản xuất kim loại của tỉnh Bắc Ninh chủ yếu là sắt thép các loại và các sản phẩm từ sắt thép, đồng, nhôm, các sản phẩm khác có sản lượng ít.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp điện, điện tử của Bắc Ninh đặt ra cho cơ khí, chế tạo Bắc Ninh bài toán mới về gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất công nghệ phụ trợ phục vụ công nghiệp điện, điện tử, từng bước giảm tỷ trọng của cơ khí luyện kim trong cơ cấu.
Nhóm giải pháp của Bắc Ninh
- Phát triển theo định hướng đa dạng hóa các sản phẩm hục vụ cho nhiều ngành kinh tế xã hội khác nhau như ngành chế tạo thiết bị điện, điện tử, tin học, thông tin, hóa chất, y dược, giáo dục, nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, thực phẩm…
- Tiếp tục khuyến khích phát triển các lĩnh vực ngành cơ khí, chế tạo từ nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ đến sản xuất linh kiện, phụ tùng, vật liệu, vật tư hỗ trợ nhằm đa dạng hoá sản phẩm CNHT, đáp các yêu cầu và thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, chế tạo phát triển mạnh.
- Khai thác triệt để năng lực hiện có của ngành cơ khí, chế tạo trên địa bàn trong sản xuất các sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong gia công chế tạo linh kiện, phụ tùng, thiết bị để tận dụng năng lực hiện có, phục vụ cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp trên địa bàn, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Từng bước chủ động về linh kiện, phụ tùng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, lắp ráp một số lĩnh vực như máy và thiết bị phục vụ nông nghiệp, xây dựng.
- Các sản phẩm cơ khí, chế tạo có nhiều tiềm năng về thị trường trong nước, rất đa dạng và phong phú, ngành cơ khí phục vụ cho rất nhiều các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Do đó xác định thị trường trong nước là một trong những thị trường mang tính quyết định để ngành cơ khí phát triển đa dạng. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực có quy mô lớn, mang tính toàn cầu như cơ khí tiêu dùng, có nhiều chi tiết lắp lẫn thị trường xuất khẩu là thị trường quan trọng trong việc phát triển nhanh ngành cơ khí trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
- Khuyến khích và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh CNHT ngành cơ khí theo danh mục xác định trong từng giai đoạn nhất định, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, trong đó quan tâm đến CNHT khâu công nghệ nguyên vật liệu, công nghệ chế tạo công nghệ cao. Phát triển mạnh CNHT ngành cơ khí, tạo điều kiện tăng cường thu hút vốn nước ngoài vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia, nỗ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp nhận công nghệ mới để chuyển các làng nghề cơ khí hiện có từ sản xuất với công nghệ lạc hậu sang sản xuất các sản phẩm cơ khí với công nghệ tiên tiến, hiện đại./.
Chi Bảo