Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao vào sáng 12/1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhắc đến con số thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt được 80.000 tỷ đồng.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

"Hôm qua, chúng ta vừa nghe đầu tư công thêm 2 đoạn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội ra nghị quyết mới bố trí được 79.000 tỷ cho 8/11 đoạn đầu tư công. Con số 80.000 tỷ thu hồi tài sản tham nhũng này sẽ tạo sự phát triển hạ tầng", ông Thanh so sánh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ tỉ lệ thu hồi tài sản đạt được chiếm bao nhiêu, tăng giảm so với nhiệm kỳ trước như thế nào để làm rõ kết quả. Ngoài ra,  ông cũng đề cập tới biện pháp phát hiện, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng kinh tế.

"Bát nước đổ đi, hốt lại không bao giờ đầy" 

Giải trình nội dung này, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, khi báo cáo với Quốc hội chỉ báo được về kết quả chứ không nói việc thực hiện. Trước đây, cơ quan điều tra, VKS và kể cả cơ quan xét xử  chỉ quan tâm đến tuyên án mà không tính đến việc thu hồi tài sản.

"Đó là thói quen của chúng ta ở nhiệm kỳ trước, cứ tuyên án còn thu hồi được hay không là việc của thi hành án (bước cuối cùng của tố tụng)", ông Lê Minh Trí nói.

Viện trưởng VKSND tối cao thông tin thêm, nhiệm kỳ này, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN yêu cầu ngay từ đầu khi khởi tố vụ án, điều tra là phải quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản. Vì vậy, ngay từ khâu điều tra, kiểm sát phối hợp với cơ quan điều tra đã đặt ra yêu cầu về thu hồi tài sản, tới khâu truy tố và đến toà cũng tiếp tục quan tâm vấn đề này. 

{keywords}
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.

Ngoài ra, nhiều thủ tục về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tháo gỡ. Ví dụ, trước đây có những trường hợp thu hồi tài sản, tính phối hợp không cao, bây giờ nhiệm vụ chính trị đặt ra, phải phối hợp ngay từ đầu và đã ban hành hàng loạt thủ tục hỗ trợ cho việc này.

Theo ông Lê Minh Trí, trong vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng phải ban hành cho được Luật Đăng ký tài sản. Bởi thực tế việc kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị và nếu đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên mà để những người ngoài xã hội đứng tên.

"Bây giờ, có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, nghìn tỉ.  Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân không ai đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng này", Viện trưởng VKSND tối cao phân tích.

Ông Trí cho rằng, chỉ cố gắng như hiện nay mà không có luật thì cũng chỉ đến một ngưỡng nào đó rồi dừng lại, bởi "bát nước đổ đi, khi hốt lại không bao giờ đầy được nữa". 

Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của VKSND tối cao cho thấy, công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có nhiều tiến bộ, số vụ án được phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước.

Trong đó, đã khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, nhiều vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp dư luận xã hội quan tâm; tiến độ, chất lượng điều tra tăng và không để xảy ra oan, sai. 

“Trong nhiệm kỳ vừa qua, VKSND đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế”, ông Trí cho hay.

Viện KSND đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra.

Cùng với đó, đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc.
Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

{keywords}
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo.

Tòa án đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.  Cùng với đó, tòa án đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật. 

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga ghi nhận, riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn.

“Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Việc Tòa án bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định”, bà Nga nói.

Thu Hằng

Hàng triệu cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập trong năm mới

Hàng triệu cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập trong năm mới

Bước sang năm mới 2021, tất cả cán bộ, công chức, kể cả mới tuyển dụng đều phải kê khai tài sản, thu nhập và sẽ hoàn thành trong quý 1 tới đây.