Sáng 24/3, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Nghị định của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai.
Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, theo tinh thần và tư tưởng của Bác Hồ: "Những gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm, những gì có hại cho dân thì phải ra sức tránh".
Cán bộ đang rất áp lực
Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Trần Quốc Huy cho rằng, cần phải quy định rõ, cán bộ đột phá, dám nghĩ, dám làm nhưng phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Vì vậy dự thảo quy định “không được trái với Hiến pháp và điều lệ Đảng” là chưa đủ, cần phải quy định "không được trái với Hiến pháp, các quy định của pháp luật", thậm chí không được trái với đạo đức xã hội.
“Làm như vậy để tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của địa phương mà làm trái với lợi ích chung. Thực hiện trên cơ sở luật pháp là cái tối thượng, thống nhất trên toàn quốc”, ông Huy nói.
Ông Huy cho biết cách đây mấy ngày, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa có một kết luận giao cho UBND tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất, do liên quan đến mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và các quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
“Đấy là ví dụ cho thấy, đã thực hiện việc dù pháp luật không cho phép ủy quyền nhưng vì điều kiện thực tế, bảo đảm phục vụ lợi ích chung thì Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ cho ý kiến”, ông Huy phân tích.
Theo ông Huy, về nội dung bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, Thanh Hóa đã giao Sở Nội vụ làm từ năm 2022 nhưng làm suốt 1 năm không ra được vì rất khó.
“Sau khi đọc được dự thảo này chúng tôi rất mừng, nghĩ rằng các đồng chí đã thực hiện được nhiệm vụ Chính phủ giao, soạn thảo được dự thảo nghị định. Có được nghị định này thì địa phương sẽ dễ làm hơn”, ông Huy bày tỏ.
Địa phương chỉ cần biết rõ quy trình tiếp nhận sáng kiến, đột phá này thế nào và cấp có thẩm quyền nào sẽ ban hành quyết định để đưa sáng kiến ấy vào cuộc sống, để sau nếu xảy ra vấn đề gì thì cán bộ được bảo vệ. Nếu phát huy tốt thì cán bộ sẽ được khuyến khích, được động viên.
Ông Huy chọn phương án 2 để bảo đảm khuyến khích cho tất cả các cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống đều là đối tượng của nghị định. Người có sáng kiến ấy có thể là công chức, viên chức, nếu sáng kiến tốt sẽ được ghi nhận, ghi danh.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, việc khuyến khích cán bộ đổi mới nên quy định được nâng một bậc trong đánh giá xếp loại, hoặc được xem xét để nâng mức trong đánh giá xếp loại, được ưu tiên trong quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm.
Đây là những nội dung còn phải bàn rất nhiều để tránh việc lạm dụng làm trái chủ trương chung. Nghị định Chính phủ chỉ ban hành được ở dạng khung, định hướng, không thể đưa ra những quy phạm mang tính cụ thể vì rất khó thực hiện được. Trên cơ sở khung, định hướng đó, mỗi địa phương sẽ tính toán, sắp xếp.
“Hiện nay cán bộ đang rất áp lực bởi vì bổn phận công vụ là phải làm đúng quy định của pháp luật, nếu làm sai sẽ bị xử lý, đến lúc đó phải trả lời trước cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, điều tra thì rất khó”, ông Huy cảnh báo.
Có nên bó buộc theo quy định của pháp luật?
Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân lại có quan điểm ngược lại là phải nhanh chóng đưa nghị định này vào thực hiện, thậm chí đề nghị có hồi tố.
“Tôi sợ khi nghị định có hiệu lực nhiều cán bộ của ta đã bị xử lý rồi nếu không hồi tố. Hoặc có cơ chế nào đó để cho áp dụng ngay, để những cán bộ dám đổi mới được miễn tố, miễn trách nhiệm hành chính, hình sự”, ông Tân nhấn mạnh.
Ông Tân nêu thực tế có việc sở vướng mắc, huyện vướng mắc xin ý kiến UBND thì “các đồng chí cho một câu đồng ý với chủ trương”. Tuy nhiên, đến lúc có gì sai thì lại truy người đề xuất.
“Tôi nghĩ không được như thế. Cấp trên cho làm rồi người ta mới dám làm, thế nhưng khi có việc gì sai trái lại truy người tham mưu. Cuối cùng lãnh đạo không sao cả, toàn các người tham mưu bị xử lý”, ông Tân thẳng thắn nói.
Theo ông Tân, cơ quan nào là cấp trên đồng ý thì cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm, còn cấp dưới liên đới chỉ ở mức độ nào đó. Đấy là những cái cần đưa vào để khuyến khích cán bộ cấp dưới tham mưu.
Vì vậy đối tượng áp dụng với nghị định này phải có cán bộ, nhân viên, tham mưu thì mới khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu thực tiễn, nhiều khi Ban thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thường “đồng ý về mặt chủ trương, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật”. Như thế là đã khó rồi.
“Cho nên chúng ta thực hiện theo quy định của Hiến pháp và điều lệ Đảng. Còn nếu như đưa vào “theo quy định của pháp luật” như vậy là bó buộc.
Ở đây, phải đổi mới sáng tạo, tức là những quy định của pháp luật đang chồng chéo, vướng mắc mà chúng ta cần tháo gỡ mới cần thể chế hóa Kết luận 14. Chúng ta bám vào quy định của pháp luật thì rất khó”, Bộ trưởng Nội vụ phân tích.
Tuy nhiên, bà Trà lưu ý, phải giải thích rõ những cái vướng mắc hiện nay không thực hiện được, bắt buộc chúng ta phải đổi mới, sáng tạo, tức là phải vượt rào. Vì vậy tập thể phải quyết định và khi tập thể quyết định thì phải chịu trách nhiệm.