Mở cửa phiên giao dịch sáng 6/3, gần như tất cả các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng đều tăng giá, qua đó kéo chỉ số VN-Index tăng khoảng 15 điểm ngay đầu phiên giao dịch. Trong 30 cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 chỉ có VietJet (VJC) giảm giá, còn lại đều tăng điểm.
Cổ phiếu Novaland (NVL) của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn tăng trần thêm 700 đồng lên 11.050 đồng/cp. Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Phát Đạt cũng tăng trần thêm 700 đồng lên 11.200 đồng/cp.
Tính tới 9h40 phút sáng 6/3, cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 1.750 đồng lên 42.700 đồng/cp. Cổ phiếu Vincom Retail (VRE) tăng 800 đồng lên 26.800. Vingroup (VIC) cũng tăng nhẹ.
Nhiều cổ phiếu bất động sản quy mô vừa và nhỏ khác cũng tăng ấn tượng, với nhiều mã có lúc tăng hết biên độ cho phép như: Đất Xanh (DXG), Hải Phát (HPX), DIC Corp. (DIG); NHA; Đức Long (DLG); Tập đoàn CEO (CEO); Danh Khôi (NRC)…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đều tăng khá mạnh. Vietcombank (VCB) tăng 700 đồng lên 91.600 đồng/cp; Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng 600 đồng lên 27.400 đồng/cp; Vietinbank (CTG) tăng 600 đồng/cp…
Cổ phiếu đồng loạt tăng mạnh sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực hôm 5/3 thay thế các nghị định về trái phiếu doanh nghiệp.
Nghị định mới có nhiều điểm nổi bật, theo đó doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Cụ thể, Nghị định số 08 bổ sung quy định: “Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác”.
Nghị định số 08 cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm và tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2023:
Nghị định này được kỳ vọng phần nào tháo gỡ phần nào áp lực trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung và nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập CTCP FIDT cho rằng những quy định mới này sẽ tác động tích cực đến thị trường. Các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích nghi được ngưng thi hành đến hết 2023.
Trong khi đó, Nghị định 08 mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các trái phiếu doanh nghiệp tới hạn và các doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Chuyên gia FIDT cho rằng, nghị định này được kỳ vọng phần nào tháo gỡ áp lực trái phiếu doanh nghiệp, tác động tích cực đến TTCK nói chung và nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng.
Theo ông Tuấn, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ phản ứng rất tích cực vì đang “nắng hạn” lại gặp “mưa rào”.
Tới 10h, chỉ số VN-Index vẫn tăng khoảng 14 điểm, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn diễn biến tích cực cho dù áp lực bán ra cũng không hề nhỏ. Không ít nhà đầu tư đã trải qua nỗi đau cổ phiếu giảm liên tục gần đây, trong khi một số người lo ngại bull-trap (bẫy tăng giá).
Tới cuối phiên giao dịch 6/3, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn đa số tăng mạnh. Tuy nhiên, sự thận trọng và áp lực bán ra đã khiến nhiều cổ phiếu trụ cột quay đầu giảm, trong đó có một số mã ngân hàng.
Chỉ số VN-Index chốt phiên chỉ còn tăng 2,41 điểm lên 1.027,18 điểm. Thanh khoản ở mức thấp, 7.700 tỷ đồng, trong đó có 6.810 tỷ đồng trên HOSE.