Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có quyết định đưa cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát vào diện cảnh báo từ ngày 11/7.

Nguyên nhân đưa ra là Hải Phát chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022 theo quy định.

Ngoài ra, cổ phiếu HPX bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, đã quá 45 ngày so với thời hạn quy định. 

Trong văn bản giải trình trước đó, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT cho hay, do việc tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty để xin ý kiến cổ đông thông qua việc đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 bị kéo dài. Qua đó, kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của công ty bị kéo dài so với dự kiến. 

Công ty đang phối hợp với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 trong thời gian sớm nhất.

Cổ phiếu HPX vào diện cảnh báo. 

Trước đó, ông Đỗ Quý Hải liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/7, cổ phiếu HPX có giá 4.240 đồng/cp. 

Tương tự, cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (từng gọi là Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT bị đưa vào diện cảnh báo do chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022.

Đồng thời, IBC cũng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Giải trình về việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, công ty cho biết do việc quản trị nội bộ phát sinh vấn đề và hoạt động của công ty con - CTCP Anh Ngữ Apax đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân sự cùng với việc đang tái cấu trúc nên dẫn đến chậm trễ báo cáo tài chính kiểm toán.

Trước đó, Chứng khoán Bảo Việt công bố bán 15 triệu cổ phiếu IBC do Egroup cầm cố, từ ngày 22/6 đến ngày 12/7, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Egroup là tổ chức có liên quan tới ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT IBC.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* HDB: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 là 19/7, ngày đăng ký cuối cùng là 20/7. Cổ tức sẽ được trả bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:15 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu).

* VTP: HĐQT Tổng CTCP Bưu chính Viettel -Viettel Post thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 11,5%/cổ phần (1 cổ phần được nhận 1.150 đồng) và 7,61% bằng cổ phiếu. Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 là 19,11%.

* SSB: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn, với tổng tỷ lệ 20,3%. Qua đó, SSB tăng vốn điều lệ từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng.

* PET: Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí thông qua việc phát hành hơn 7,9 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 100:8. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.

* VRG: CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG thông qua việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCOM và chuyển sang niêm yết sàn HOSE từ ngày 8/8.

Thông tin giao dịch

* TEG: Ông Mạc Quang Huy, Thành viên HĐQT CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành đã mua vào gần 130.000 cổ phiếu TEG, từ ngày 6/6 đến 5/7, theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Huy sở hữu 480.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,73%.

* PRE: CTCP Đầu tư PV2, cổ đông của Tổng CTCP Tái Bảo hiểm PVI đăng ký mua 100.000 cổ phiếu PRE từ ngày 6/7 đến 4/8, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

* KDM: Ông Chu Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn GLC đăng ký bán toàn bộ hơn 275.000 cổ phiếu KDM. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/7 đến 28/7, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

* NVL: Bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh, con ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã mua vào hơn 3,04 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 2/6 đến 30/6, theo phương thức thỏa thuận. Bà Quỳnh đang nắm giữ hơn 24,67 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,26%.

VN-Index

Chốt phiên 5/7, VN-Index tăng 2,62 điểm (+0,23%), lên 1.134,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 807 triệu đơn vị, giá trị 17.200,7 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,4%) xuống 227,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 90,33 triệu đơn vị, giá trị 1.373,83 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,14%), xuống 85,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 45,18 triệu đơn vị, giá trị 667,81 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán SHS, đà tăng của thị trường vẫn được duy trì. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp VN-Index tăng điểm sau nhịp điều chỉnh tuần trước. Áp lực bán đã gia tăng dần lên khi chỉ số tiến dần tới ngưỡng kháng cự 1.140 điểm.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là tích cực khi liên tục tích lũy, bùng nổ vượt cản thành công. Điều chỉnh cho thấy, đà hồi phục là mạnh. 

SHS kỳ vọng, VN-Index sẽ tiếp tục tích cực trong thời gian tới để hướng tới khu vực kháng cự mới quanh 1.150 điểm.