Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, ngày 3/3, chỉ số VN-Index giảm 12,84 điểm xuống 1.024,77 điểm, gần sát mức thấp nhất trong tuần và ở quanh mức đáy kể từ đầu năm tới nay.
Thanh khoản tiếp tục ở mức rất thấp, quanh ngưỡng 8.000-9.000 tỷ đồng, vùng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tâm lý thận trọng bao trùm, dòng tiền nội rất yếu trong khi khối ngoại kéo dài chuỗi ngày bán ròng lên 13 phiên.
Nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng tiếp tục bị bán ra mạnh, qua đó kéo hầu hết các cổ phiếu trong 2 nhóm này giảm thêm cho dù nhiều mã bất động sản đã giảm 60-85% kể từ tháng 4/2022.
Trong 13 mã ngân hàng thuộc nhóm VN30, chỉ có Vietinbank (CTG) đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, Vietcombank (VCB) giảm 2.300 đồng xuống 90.900 đồng/cp. Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh giảm 600 đồng xuống 25.000 đồng/cp. Ngân hàng Á châu (ACB) giảm 550 đồng xuống 24.500 đồng/cp. Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển BIDV giảm 500 đồng xuống 45.900 đồng.
Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh giảm 400 đồng xuống 26.800 đồng/cp. TPBank (TPB) của ông Đỗ Minh Phú giảm 400 đồng xuống 23.400 đồng/cp.
Bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm nhẹ. Vingroup (VIC) giảm 100 đồng xuống 52.700 đồng/cp. Vinhomes (VHM) giảm 150 đồng xuống 40.950 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) cũng giảm 200 đồng xuống 26.000 đồng/cp cho dù thị trường có tin đồn tích cực.
Nhóm bất động sản ghi nhận Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn và Bất động sản Phát Đạt (PDR) đứng giá.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng chịu áp lực bán mạnh. Cổ phiếu DIC Corp. (DIG) giảm sàn xuống 11.750 đồng/cp…
Thị trường tiếp tục chứng kiến khối ngoại bán ròng hơn 192 tỷ đồng trên sàn HOSE. Đây là phiên bán ròng thứ 13 kể từ đầu tháng 2.
Thị trường chứng khoán diễn biến xấu trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó về dòng tiền và gánh nặng nợ (trong đó có trái phiếu). Nhóm ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhóm sản xuất cũng gặp khó khăn khi sức cầu suy giảm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh ghi nhận doanh thu xuất khẩu trong tháng 1/2023 giảm 45% so với cùng kỳ do thị trường Mỹ yếu. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu xuất khẩu của VHC suy giảm.
Sức cầu tiêu dùng suy giảm cũng ảnh hưởng đến một số cổ phiếu bán lẻ, trong đó có Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài. Cổ phiếu MWG giảm khá mạnh, mất 900 đồng xuống 39.400 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 3/3.
Tâm lý thận trọng bao trùm cùng với đó là thanh khoản thấp khiến thị trường chứng khoán khó tăng trở lại cho dù đang ở gần ngưỡng hỗ trợ quan trọng: 1.000 điểm.
Một số dự báo cho rằng, thị trường có thể kiểm tra lại đáy cũ 900 điểm ghi nhận trong tháng 11/2022 nếu kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp yếu kém trên diện rộng.
Trong báo cáo mới ra, CTCK Maybank duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 ở mức 6,3%. Tuy nhiên, hạ dự báo tăng trưởng quý I/2023 còn 4,8%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,9% của quý IV/2022.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn đón thêm tin xấu. Đất Xanh Miền Nam vừa xin lùi lịch trả lãi trái phiếu.
Một số quỹ đầu tư đầy mạnh bán cổ phiếu Việt gần đây. Nhóm quỹ Dragon Capital bán ròng gần 45 triệu cổ phiếu Đất Xanh (DXG) chỉ trong tháng 2, giảm sở hữu xuống còn gần 77,5 triệu đơn vị (còn gần 12,7%).
Thị trường chứng khoán cũng chịu áp lực từ một đồng USD đang tăng giá trở lại so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank gần đây lên gần 24.000 đồng/USD (giá bán ra). Các nhà đầu tư nghĩ tới khả năng đỉnh lãi suất năm nay của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 5,5%, thay vì dự báo 5% như trước đó.