Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho hay, Tập đoàn FLC đã vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Trước đó, ngày 16/8, theo thông tin từ HoSE FLC vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021); chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay. Vì vậy, ngày 11/7, HoSE đã đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo.
Không chỉ vi phạm về công bố thông tin, FLC nhiều lần vi phạm quy định về thuế, dẫn đến một số cơ quan thuế các tỉnh có dự án của FLC đang hoạt động phong tỏa tài khoản, tổng cộng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử, mới đây, Tổng giám đốc FLC, bà Bùi Hải Huyền gửi thông tin đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông tin về việc tập đoàn này nhận được 8 quyết định từ Chi cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa).
Cụ thể, 8 quyết định được ban hành ngày 18/8 của Chi cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của CTCP Tập đoàn FLC mở tại các ngân hàng VPBank - Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng VIB - Chi nhánh Quận 1 TP.HCM; OCB - Chi nhánh Hà Nội; NN-PTNT - Chi nhánh Tây Đô; Vietcombank - Chi nhánh Thanh Hóa; Vietcombank - Chi nhánh Vĩnh Phúc; Vietinbank - Chi nhánh Thanh Hóa; BIDV - Chi nhánh Thanh Xuân.
Ở thời điểm đó, Tập đoàn FLC bị cưỡng chế là bởi công ty này đã nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày theo quy định, tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 130,8 tỷ đồng.
Không những vây, ngày 30/3, Chi cục thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương đã ban hành 11 quyết định đối với FLC về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với FLC, mở tại 11 ngân hàng khác.
Số tiền bị cưỡng chế của FLC tại thời điểm đó là 124,8 tỷ đồng, do doanh nghiệp này nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày theo quy định.
Theo báo cáo tài chính quý II/2022, doanh thu thuần của Tập đoàn FLC đạt gần 576 tỷ đồng, giảm gần 66% so với cùng kỳ năm trước. Về lợi nhuận, do khoản lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết và các chi phí quản lý, dẫn đến FLC bị lỗ ròng sau thuế là 640 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 21 tỷ đồng.
Sau 6 tháng, nợ phải trả của FLC tăng từ 24 nghìn đồng tỷ hồi đầu năm lên hơn 27 nghìn tỷ đồng; trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 19 nghìn tỷ đồng, tương đương 70%. Tổng tài sản đến cuối quý II đạt 36 nghìn tỷ đồng; trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 19,3 nghìn tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm gần 17 nghìn tỷ đồng.
Từ khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC bị bắt về hành vi thao túng và che giấu thông tin chứng khoán vào cuối tháng 3, nhóm cổ phiếu “họ FLC” liên tục giảm sàn. Đặc biệt, TTCK chung bị ảnh hưởng tiêu cực, nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin về tính minh bạch trên thị trường.