Phiên chiều chứng kiến sức cầu bắt đáy và nhiều cổ phiếu hồi phục. Chỉ số VN-Index hồi khá mạnh, có lúc tăng 10 điểm. Tuy nhiên, giống như các phiên trước. Áp lực bán gia tăng vào cuối phiên chiều. Chung cuộc, đa số các cổ phiếu tiếp tục giảm giá và chỉ số VN-Index giảm 14,51 điểm xuống 1.370,21 điểm. Thanh khoản ở mức trung bình, đạt trên 27 nghìn tỷ đồng.
Tính tới cuối phiên giao dịch sáng 21/4, áp lực bán giảm bớt. Nhiều cổ phiếu blue-chips tăng trở lại, qua đó giúp chỉ số VN-Index bớt giảm điểm. VN-Index chốt phiên sáng giảm 4,02 điểm xuống 1.380,7 điểm. “Họ FLC”, họ Louis, HUT-Tasco, Trí Việt… tiếp tục giảm sàn.Nhóm cổ phiếu “họ Louis” và Trí Việt đồng loạt giảm sàn với dư mua bằng 0. Các nhóm cổ phiếu “họ FLC”, “họ DNP-Tasco”… tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giảm sàn với những mã giảm tới 70-80% trong một khoảng thời gian ngắn.
Áp lực bán vẫn rất cao và có dấu hiệu hoạt động giải chấp của các công ty chứng khoán gia tăng, qua đó kéo chỉ số VN-Index giảm tiếp cho dù chỉ số này đã mất khoảng 140 điểm trong vòng 2 tuần qua.
Tính tới 9h45 sáng 21/4, chỉ số VN-Index giảm hơn 26 điểm xuống dưới ngưỡng 1.360 điểm. Chỉ số HNX-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn với mức giảm 13 điểm (tương đơng 3,5%) xuống 367 điểm. Upcom-Index cũng giảm hơn 3,6%.
Dư bán các mã cổ phiếu nóng trước đây như FLC, ROS, HQC, TGG, TVB, CII, JVC, HAI… đều lên tới nhiều triệu đơn vị cho tới cả 1-2 chục triệu đơn vị.
Đêm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố vụ án “thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại CTCP Chứng khoán Trí Việt, CTCP Louis Holdings và một số công ty có liên quan.
Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập có căn cứ xác định, trong thời gian từ 04/01/2021 đến ngày 06/10/2021, Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings, thành viên HĐQT CTCP Louis Capital, CTCP phần Louis Land thông đồng với Đỗ Đức Nam, TGĐ CTCP Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của CTCP Louis Capital (TGG), Louis Land (BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã quen với những câu chuyện cổ phiếu tăng trần hàng chục phiên rồi giảm sàn gắn cùng với cái tên “dòng Louis”.
CTCP Louis Holdings nổi lên bắt đầu từ năm 2021. Từ một công ty gạo, doanh nghiệp này thâu tóm nhiều doanh nghiệp đa ngành, tạo dựng hệ sinh thái "họ Louis". Chỉ trong một năm, doanh nghiệp của ông Đỗ Thành Nhân đã trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm Louis Capital, Louis Land, Dược Lâm Đồng, Xuất nhập khẩu An Giang Angimex và Sametel (SMT).
Hồi nửa cuối 2021, dòng Louis nổi bật trên thị trường chứng khoán với hàng loạt mã tăng trần kéo dài và dồn dập các room “phím hàng”.
Đây cũng là khoảng thời gian thị trường chứng khoán hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư cá nhân theo sát nhóm cổ phiếu nằm trong "hệ sinh thái" Louis, bao gồm BII, TGG, SMT, APG, VKC và sau đó là TDH trong bối cảnh các cổ phiếu tăng giá đột biến với khối lượng dư mua khủng khi có sự tham gia đầu tư của Louis Capital.
Cổ phiếu BII tăng dữ dội từ mức trên 1.000 đồng/cp hồi cuối 2020 lên gần 24.000 đồng/cp hồi tháng 9/2021. Cổ phiếu TGG cũng tăng từ mức trên 1.000 đồng/cp hồi cuối 2020 lên 69.000 đồng/cp hồi cuối tháng 9/2021. Các cổ phiếu khác cũng tăng rất mạnh
Thị trường liên tiếp đón nhận những tin xấu trong thời gian gần đây. Áp lực bán và giải chất đã khiến cổ phiếu giảm trên diện rộng. Nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh và triển vọng tốt cũng hòa chung vào nhịp giảm sâu trên sàn.
Nhiều mã bất động sản, xây dựng và ngân hàng cũng giảm sau vụ Tân Hoàng Minh bị hủy lô trái phiếu trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng và ông chủ tập đoàn này bị bắt khởi tố vì hành vi “lừa đảo”. Nhiều mã như CII, NBB, CTD, NLG, CEO… giảm mạnh.
Tuy nhiên, dấu hiệu bắt đáy tại các mã tốt cũng đã bắt đầu. Khối ngoại gần đây mua ròng cả nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt.
Nhiều mã blue-chips giữ được sắc xanh trong các phiên giảm mạnh như: Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, Chứng khoán SSI, VPBank, FPT…
Sức cầu cổ phiếu cũng tăng ở một số mã thủy sản, than, nhựa…
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh làm sạch thị trường là cần thiết và có tác động trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán Việt đang ở mức độ giá hợp lý cho đầu tư dài hạn.
VinaCapital cho rằng việc điều tra, xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ tăng nóng. Tuy nhiên, đây sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Theo tổ c hức này, VN Index đang có mức P/E năm 2022 là hơn 12 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).
Theo Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục, các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 22% trong năm 2022. Đây là nhưng cơ sở cho những đánh giá tích cực.
M. Hà