Thị trường chứng khoán giảm điểm tuần thứ 3 liên tiếp 25-29/9 với chỉ số VN-Index mất 3,26% xuống 1.154,15 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 2,8% xuống 236,35 điểm.
Như vậy, trong tuần 25-29/9, chỉ số VN-Index đã mất mốc 1.200 điểm. Trong tuần, có lúc chỉ số này chạm mức 1.127 điểm.
Đây cũng là tuần thị trường có nhịp điều chỉnh sâu nhất kể từ khi bắt đầu hồi phục giữa tháng 11/2022.
Thanh khoản trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong tuần giảm gần 22% so với tuần trước xuống còn gần 93 nghìn tỷ đồng, trong khi trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng nhẹ.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu diễn biến tiêu cực nhất là bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Bộ đôi Vingroup (VIC) và Vinhomes ảnh hưởng mạnh nhất tới chỉ số VN-Index trong tuần. Nhiều mã cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm mạnh như: TCH (-14%), DRH (-13%), TDC (-12%), CEO (-11%)…
Trong khi đó, nhóm ngân hàng có Vietcombank (VCB), BIDV (BID) và Vietinbank (CTG) ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chung. Eximbank cũng giảm hơn 8,4%, Sacombank giảm gần 7%...
Nhóm chứng khoán có VIX giảm 11,3%, WSS giảm 10,4%, VND giảm gần 7%...
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trở lại với nhóm cổ phiếu “họ Vin” quay đầu tăng giá. Sau chuỗi ngày chìm sâu, Vingroup (VIC) trong phiên 29/9 có lúc tăng trần trước khi chốt tăng 1.850 đồng lên 46.850 đồng/cp; Vinhome (VHM) tăng 1.000 đồng lên 45.500 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) tăng 650 đồng lên 26.100 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản hút dòng tiền bắt đáy với nhiều mã ghi nhận thanh khoản tăng mạnh như: Bất động sản Phát Đạt (PDR), DIC Corp. (DIG), Đất Xanh (DXG), CEO…
Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng tăng mạnh nhờ thông tin xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… tăng nhanh trở lại. Các nhà bán lẻ Mỹ ghi nhận tồn kho giảm và mùa cao điểm tiêu thụ trong năm đang đến gần.
Trong tuần, thông tin được đánh giá có tác động tiêu cực nhiều nhất tới tâm lý các nhà đầu tư là hoạt động hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN bắt đầu trở lại phát hành tín phiếu và hút tiền về từ hôm 21/9. Cho tới hết 29/9, cơ quan này đã hút về gần 93.800 tỷ đồng.
Với động thái này của NHNN, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt, giảm từ mức 24.610 đồng/USD hôm 26/9 xuống còn 24.460 đồng/USD hôm 29/9.
Trước đó, một số dự báo cho rằng, NHNN có thể sẽ hút về khoảng 100.000 tỷ đồng trong đợt phát hành tín phiếu.
Trong phiên cuối tuần 29/9, NHNN chỉ còn hút về 3.800 tỷ đồng, giảm so với mức 10.000-20.000 tỷ đồng trong các phiên trước đó.
Hôm 28/9, FTSE đã công bố kết quả xếp hạng với việc tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán.
Cũng trong phiên cuối tuần, Tổng cục Thống kê công bố GDP quý III tăng hơn 5,3% so với cùng kỳ, tích cực hơn mức tăng 3,28% trong quý I và 4,05% trong quý II. GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ.
Với nhiều phiên giảm mạnh, thị trường chứng khoán có dấu hiệu hút dòng tiền của tổ chức. Trong tuần 25-29/9, khối ngoại và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đã có những phiên mua ròng. Quỹ VEIL của Dragon Capital ghi nhận tỷ trọng cổ phiếu trên 99%, tiền mặt còn lại rất thấp.
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán dự báo về một đợt điều chỉnh giảm lần này, nhất là khi tỷ giá USD/VND tăng cao. Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh mạnh hơn dự báo, qua đó làm suy yếu động lực tăng ngắn hạn.
Chỉ số VN-Index đã giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.150 điểm trong phiên cuối tháng 9 nhưng được cho là cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tích lũy mới.
Tỷ giá vẫn ở mức cao. Tình trạng “thừa tiền” hiện hữu trong hệ thống ngân hàng với lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn ở mức rất thấp 0,15-0,17%/năm. Bên cạnh đó, giá dầu vẫn rập rình tăng dù đã leo thang thêm gần 30% trong quý III/2023.