Thay vì giảm như trong buổi sáng, sức cầu cổ phiếu tăng nhanh vào buổi chiều, đặc biệt trong phiên giao dịch khớp lệnh ATC cuối ngày. Một số cổ phiếu điện và xây lắp điện tăng vọt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản ghi nhận nhiều mã quay đầu tăng ấn tượng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng.
Kết thúc phiên giao dịch 6/1, chỉ số VN-Index tăng 12,41 điểm, lên 1.089,29 điểm. HNX-Index trong khi đó giảm nhẹ 0,81 điểm, xuống 214,47 điểm. Upcom-Index tăng 0,43 điểm, lên 75,96 điểm. Thanh khoản đạt 10.600 tỷ đồng, trong đó có 9.607 tỷ đồng trên HOSE.
Cổ phiếu Ngân hàng Vietcombank (VCB) tăng 3.000 đồng, lên 96.000 đồng/cp; BIDV (BID) tăng 1.650 đồng, lên 45.000 đồng/cp; Vietinbank (CTG) tăng 850 đồng, lên 29.900 đồng/cp.
Một số ngân hàng thương mại có nguồn gốc quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank được đánh giá hưởng lợi từ thay đổi về chính sách thúc đẩy thêm dòng tiền vào nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 31/12/2022, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022 (thay thế Thông tư 22/2019) nhằm điều chỉnh cách tính tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR) tại các ngân hàng thương mại, có hiệu lực từ 31/12/2022 tới hết năm 2023.
Theo VnDirect, Thông tư 26 được đánh giá sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có gần 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các NHTM (ước tính khoảng hơn 150 nghìn tỷ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý IV/22), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng khá mạnh. Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng thêm 850 đồng lên 27.950 đồng/cp. VPBank (VPB) tăng 250 đồng lên 18.500 đồng/cp.
Chiều 6/2, NHNN có cuộc họp với các ngân hàng thương bàn cách gỡ vốn cho bất động sản. Giới đầu tư kỳ vọng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ có khởi sắc từ đầu năm sau nửa năm các doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng kiệt quệ về dòng tiền do tín dụng bị thắt chặt, thị trường trái phiếu đóng băng, nợ dâng cao...
Tại cuộc gặp mặt đầu Xuân 2023 với ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo hệ thống ngân hàng tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua nhằm góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo.
Nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng trở lại như: Novaland (NVL) tăng 450 đồng, lên 15.400 đồng/cp; Hà Đô (HDG) tăng 600 đồng, lên 32.800 đồng/cp; Nhà Khang Điền (KDH) tăng 400 đồng, lên 27.350 đồng/cp...
Nhóm cổ phiếu điện và xây lắp điện cũng tăng giá mạnh theo sau thông tin tăng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (thêm 220-537 đồng/kWh).
Cổ phiếu PC1 của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (xây lắp điện) tăng trần thêm 1.600 đồng, lên 24.900 đồng/cp. Điện Gia Lai (GEG) tăng thêm 4,5%; Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2) tăng 3,5%; REE tăng 2,84%; Nhiệt điện Phả Lại (PPC) tăng 1,75%...
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm, dầu khí, tài chính,... cũng diễn biến tích cực.
Chứng khoán 2023: Chọn lọc cơ hội
Theo Chứng khoán SSI, 2023 sẽ là năm then chốt để thử thách nền tảng sức mạnh của kinh tế Việt Nam. Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP ở mức 6,2%. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh xu hướng kinh tế thế giới giảm tốc.
SSI nhận định, trong năm 2023, chính sách tiền tệ có thể duy trì thận trọng, nhưng không tích cực như năm 2022. Nhu cầu toàn cầu chậm lại vẫn là rủi ro lớn trong ngắn hạn, nhưng đáng quan tâm hơn là rủi ro thanh khoản và các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau những biến cố trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ánh khá nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro định giá lại trong chu kỳ lãi suất tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn cho năm 2023.
Một điểm sáng trong năm 2023 là đồng VND có thể sẽ ổn định hơn trong năm nay.
Ngược lại, rủi ro về thanh khoản vẫn tồn tại xuyên suốt trong năm do áp lực lớn đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ quay đầu với tốc độ khá chậm. Do đó, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với khó khăn kéo dài. Mặt khác, kì vọng được đẩy lên cao khi Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, nhưng đây cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được.