Chốt phiên 24/11, chỉ số VN-Index nhẹ 1,71 điểm lên 947,71 điểm. HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,11%. Thanh khoản ở mức thấp, đạt 8.000 tỷ đồng, trong đó có 8.198 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Hai cổ phiếu Novaland (NVL) và Bất động sản Phát Đạt (PDR) tiếp tục giảm sàn với dư bán lớn.
Tuy nhiên, nhiều mã bất động sản có quy mô vừa và nhỏ khác tiếp tục nhích lên. Tập đoàn Đạt Phương (DPG) tăng trần; Nam Long (NLG) tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu thép có tín hiệu tốt với Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ chốt phiên duy trì được mức tăng trần.
Bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng khá mạnh. Giới đầu tư đón nhận thông tin những chiếc xe điện VinFast đầu tiên đã đến Mỹ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết tăng giá.
Trong khi đó, ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động bất ngờ giảm sàn.
Thị trường cổ phiếu ghi nhận có những động thái giải tỏa tâm lý. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng nhìn về dài hạn và tích sản các cổ phiếu tốt có giá thấp sau nhiều tháng lao dốc. Dù vậy, xu hướng downtrend dường như vẫn còn hiện hữu và áp lực bán vẫn gia tăng khá nhanh mỗi khi cổ phiếu bắt đáy về tài khoản.
Tâm lý thận trọng dâng cao vào cuối phiên sáng 24/11 khi nhiều nhà đầu tư lo ngại số lượng gần tỷ cổ phiếu trong phiên bull-trap hôm trước sẽ về vào buổi chiều.
VN-Index chốt phiên sáng 24/11 giảm nhiều hơn, mất 7,08 điểm xuống 938,92 điểm. HNX-Index giảm 0,66%. Thanh khoản ở mức khá thấp, với 3.372 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Hai cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn và Bất động sản Phát Đạt (PDR) tiếp tục giảm sàn phiên thứ 16 và 15 sau cú “giải cứu” bất thành, với lượng tiền hàng nghìn tỷ đồng đổ vào mua Novaland và một phần PDR trong phiên ngày 22/11.
Sau khi hấp thụ gần 130 triệu cổ phiếu Novaland (NVL) hôm 22/11, áp lực bán tăng trở lại đối với cổ phiếu của chủ tịch Bùi Thành Nhơn. Cuối giờ sáng 24/11, dư bán sàn NVL lên tới gần 30 triệu đơn vị.
Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt giảm sàn phiên thứ 15 liên tiếp với dư bán cuối giờ sáng 24/11 là hơn 110 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên giảm thứ 27 của cổ phiếu này.
Thị trường chưa đón nhận được thông tin gì mới sau cuộc họp của Bộ Tài chính hôm 23/11 với Ủy ban Chứng khoán, các sàn giao dịch, các công ty chứng khoán và lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu về về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Một số cổ phiếu bất động sản khác giằng co và có dấu hiệu đã tìm được điểm cân bằng.
Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khá tích cực, tăng điểm trong phần lớn phiên, qua đó hỗ trợ cho VN-Index.
Cổ phiếu thép hút dòng tiền với Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ bứt tăng trần.
Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tăng hết biên độ với dư mua lớn.
Mặc dù khá thất vọng khi chưa có giải pháp cụ thể, nhưng những cuộc họp liên tiếp cho thấy, Chính phủ đang tìm giải pháp ổn định các thị trường.
Bên cạnh đó, nỗ lực từ chính bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản cũng giúp tình hình bớt xấu. Nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí, mua lại trái phiếu và đàm phán với các trái chủ.
Trên thế giới, tín hiệu Mỹ sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ đã giúp USD hạ nhiệt, chứng khoán tăng và vàng hồi phục.
Việc Trung Quốc bơm hàng chục tỷ USD giải cứu các công ty bất động sản cũng góp phần khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam tin tưởng hơn về một đợt hồi phục của các cổ phiếu.
Theo Bloomberg, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đang bơm ít nhất 270 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 38 tỷ USD) tín dụng mới cho các công ty bất động sản.