Trong phiên 17/9, cổ phiếu NVL của Novaland, do ông Bùi Thành Nhơn làm chủ tịch, tiếp tục giảm khá mạnh, có lúc mất 550 đồng xuống 10.650 đồng/cp, trước khi đóng cửa buổi sáng ở mức 10.850 đồng/cp.
Đây là mức giá rất thấp so với trên 18.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4 và gần 90.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi tháng 9/2022. Giá hiện tại chỉ cao hơn chút ít so với mức thấp kỷ lục 10.300 đồng/cp ghi nhận hồi cuối tháng 2/2023.
NVL giảm mạnh trong vài tháng gần đây, trong bối cảnh doanh nghiệp này đón khá nhiều tin xấu liên quan tới giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Sáng 17/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố quyết định đưa cổ phiếu NVL vào diện cảnh báo kể từ 23/9, do vi phạm quy định về nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.
Hôm 11/9, NVL giảm sàn sau khi HoSE đưa cổ phiếu này vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do Novaland chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét qua 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.
Thông tin nhóm cổ đông liên quan tới ông Bùi Thành Nhơn giảm tỷ lệ sở hữu tại Novaland, cũng có thể tác động tiêu cực tới cổ phiếu NVL. Ngày 6/9, NovaGroup đã bán hơn 3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn về dưới 39%. Tính từ đầu năm, NovaGroup đã bán ròng hơn 36 triệu cổ phiếu NVL. Trong 2 năm qua, nhóm cổ đông liên quan đến ông Nhơn đã giảm sở hữu hơn 400 triệu cổ phiếu NVL.
Ở chiều ngược lại, tình hình tài chính của NVL đang tốt lên theo công cuộc tái cấu trúc. Nhiều dự án có chuyển biến tích cực. Siêu dự án Aqua City vừa được ngân hàng cam kết rót thêm 1.100 tỷ đồng. Nhiều bất động sản thuộc dự án này đủ điều kiện mở bán.
Phản hồi sau động thái của HoSE, Novaland cho biết đang nỗ lực làm việc với đơn vị kiểm toán để sớm công bố BCTC soát xét bán niên 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 là thời điểm công cuộc tái cấu trúc diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt tại Novaland. Tập đoàn địa ốc này đã hoàn thành cơ cấu phần lớn các khoản nợ hiện hành, có nhiều chuyển biến tích cực về tình hình tài chính, pháp lý dự án, tiến độ xây dựng và bàn giao, cũng như công tác trao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cư dân…
Theo Novaland, khối lượng giao dịch, mức độ phức tạp và số lượng hồ sơ cần soát xét tăng cao, dẫn đến cần nhiều thời gian để xử lý hồ sơ chứng từ, nhằm đảm bảo tính chính xác, hợp lý, minh bạch của các số liệu tài chính. Novaland đang nỗ lực làm việc với đơn vị kiểm toán nhằm hoàn tất các khâu soát xét cuối cùng, để sớm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.
Sau gần 2 năm tái cấu trúc, Novaland đã đẩy mạnh thi công nhiều dự án trọng điểm, bàn giao sản phẩm cho khách hàng, phối hợp với địa phương để tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án. Novaland cũng thương lượng, đàm phán với các ngân hàng và định chế tài chính để huy động các nguồn vốn mới nhằm tiếp tục triển khai xây dựng tại các dự án.
Trên thị trường chứng khoán, sự thận trọng vẫn bao trùm, thanh khoản ở mức thấp. Nhóm cổ phiếu "họ Vin" tăng khá tốt. Tới cuối phiên sáng 17/9, cổ phiếu Vinhomes (VHM) tăng 900 đồng lên 42.650 đồng/cp. Vingroup (VIC) tăng 250 đồng lên 42.300 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) tăng 200 đồng lên 19.100 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Cổ phiếu tiêu dùng và bán lẻ khá tích cực.
Chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,08 điểm lên 1.240,34 điểm.
Bước vào phiên chiều, dòng tiền đổ vào tăng khá nhanh, qua đó kéo chỉ số VN-Index tăng vọt.
Tới 14h18, chỉ số VN-Index tăng gần 12 điểm lên trên 1.251 điểm.
Dù vậy, thanh khoản vẫn khá thấp. Giới đầu tư có vẻ thận trọng trước thời điểm Mỹ hạ lãi suất. Có hơn 60% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp 17-18/9. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ hôm 16/9 lập đỉnh lịch sử mới. Chứng khoán châu Á thận trọng hơn. Giá vàng lập kỷ lục cao mới.
Một số dự báo cho rằng, các nhà đầu tư toàn cầu đang xem xét đổ vốn vào thị trường Đông Nam Á nhờ triển vọng cắt giảm lãi suất.
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay cầm cố xuống 4%. Tỷ giá đang có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn bán ròng mạnh từ đầu năm tới nay. Dòng tiền trên thị trường khá yếu.