Ngày 24/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8, Nghị định 42 thay thế cho Nghị định 43 ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Nghị định mới ra đời nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, đồng thời bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển công nghệ, thực tiễn cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong nước và quốc tế; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bảo đảm các điều kiện cho việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng được đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, thuận tiện, an toàn qua nhiều kênh cung cấp khác nhau; có sự tương tác tích cực hai chiều với người dân và doanh nghiệp.

Bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước theo nhu cầu một cách thuận tiện, đa kênh, đơn giản, an toàn và nhanh chóng.

Cùng với đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định mới cũng nhằm bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nói chung và mục tiêu Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội nói riêng trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Nghị định 42, cùng với việc quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, Chính phủ cũng nêu rõ các yêu cầu đối với cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo quy định mới, cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 2 mức độ: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần.

Trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Dịch vụ công trực tuyến 1 phần là dịch vụ công trực tuyến không đảm bảo các điều kiện quy định kể trên.

Chính phủ yêu cầu: Cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp dịch vụ và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Ứng dụng di động của cơ quan nhà nước cũng là 1 kênh các cơ quan có thể triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Về kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo Nghị định 42, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh là thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương cho tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ quan nhà nước chủ động triển khai các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến khác: Mạng xã hội do cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật; ứng dụng trên thiết bị di động của cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai tập trung, thống nhất, dùng chung trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước, tránh trùng lặp.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm công bố các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

Đáng chú ý, tại Nghị định mới, Chính phủ cũng cụ thể các điều kiện bảo đảm phát triển, duy trì hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước như: Nhân lực, kinh phí, hạ tầng kỹ thuật.

{keywords}
Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đều đã cho phép tìm kiếm và tải về các văn bản quy phạm pháp luật.

Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã có trang/cổng thông tin điện tử; 100% UBND các quận, huyện, thị xã có trang/cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng.

Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đều đã cho phép tìm kiếm và tải về các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời có chức năng tiếp nhận, phản hồi thông tin từ người dân và đăng tải đầy đủ các câu hỏi, trả lời trong mục Trao đổi - Hỏi đáp, cho phép người dân đánh giá và xếp hạng với một số nội dung thông tin mà cơ quan cung cấp.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 100% bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và từng bước tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo thống kê, tính đến ngày 25/5, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức 4 – mức cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng, đã đạt 97,3%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt gần 24%.

Vân Anh 

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới chỉ đạt 30%

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới chỉ đạt 30%

Nhận định vấn đề lớn nhất hiện nay là hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, Bộ TT&TT cho biết, đến hết tháng 5, tính trung bình trên cả nước, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới đạt khoảng 30%.