May lại váy cưới của mẹ

Năm 18 tuổi, chị Lý Lý Thục Nhi (30 tuổi, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) theo học ngành điều dưỡng. Lúc đi kiến tập, chị là sinh viên duy nhất ngất xỉu khi nhìn thấy máu. Biết mình chọn sai nghề, chị bỏ dở chuyện học khi ngày tốt nghiệp không còn xa.

anh-2-may-vay-cuoi-1.jpg
Chị Thục Nhi tự may hơn 10 chiếc váy cưới cho chính mình

Sau đó, chị Nhi thi đậu chuyên ngành Nhật Bản học của Đại học Đà Lạt. Bước vào năm cuối, 9X Lâm Đồng một lần nữa nhận ra bản thân không phù hợp với công việc dịch thuật. Chị bảo lưu kết quả học tập trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ.

Dù rất sốc nhưng mẹ chị thấu hiểu, khuyên con “không học chữ thì đi học nghề”. Nghe lời mẹ, chị đến nhà cô họ học nghề may. 

Sau 3 năm được cô tận tâm hướng dẫn, chị Nhi thành thạo từng đường kim mũi chỉ, kiểu trang phục nào cũng có thể may. 

“Đây là lần đầu tiên tôi không muốn dừng lại mà khát khao học hỏi thêm. Vì vậy, tôi xin cô và cha mẹ cho xuống TP.HCM học may váy cưới

Lúc đó, mọi người nghi hoặc, nghĩ tôi lại muốn bỏ nghề. Bởi, tay nghề của tôi đã đủ mở tiệm, làm cô thợ may bình thường. 

Thế nhưng, tôi không muốn dừng lại ở một thợ may bình thường. Tôi rất thích may váy cưới, dù chưa biết may nó như thế nào. Lần này, cha mẹ mặc kệ tôi muốn làm gì thì làm”, chị Nhi chia sẻ.

Đến TP.HCM, chị Nhi may mắn gặp được một người chị dạy may váy cưới vô cùng tốt bụng, tận tâm. Tuy nhiên, chị chưa học được bao nhiêu thì TP.HCM bùng dịch Covid-19. Chị vội vã trở về Đà Lạt tránh dịch.

Một năm rưỡi dịch bệnh hoành hành, chị Nhi tự học may váy cưới theo các video hướng dẫn đăng trên YouTube. Chị xem hàng nghìn video của các kênh nước ngoài, rồi tự thực hành, cắt may đầy nhà. 

Chị Nhi nói: “Đọc hàng nghìn bài văn sẽ nhặt được vài câu hay ho, xem hàng nghìn video may vá thì tiếp thu được vài kỹ thuật”.

Nhờ cách học “mưa dầm thấm lâu”, chị may thành thạo nhiều kiểu váy cưới dù chưa qua trường lớp bài bản.

Chiếc váy cưới đầu tiên mà chị Nhi thực hiện chính là may lại váy cưới của mẹ. Vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, chị không mua được loại vải như nguyên mẫu, chỉ giống màu sắc. 

May xong, chị Nhi mặc chiếc váy cưới “cover” từ váy cưới của mẹ để chụp ảnh. Chị đăng những bức ảnh này trên nhóm Facebook và được nhiều người yêu thích.

Từ đây, chị nhận được những đơn hàng đầu tiên. Cha mẹ bớt dò xét, giúp chị mở một tiệm may nhỏ ở ngoại ô Đà Lạt.

Đà Lạt không nhộn nhịp như TP.HCM, Hà Nội, cho nên lượng khách đến tiệm của chị Nhi đặt may váy cưới không nhiều. Chị chủ yếu tìm khách thông qua mạng xã hội.

Chị nhẫn nại, chăm chú lắng nghe những yêu cầu của cô dâu về kiểu dáng, chất liệu vải... Nếu khách đặt may váy cưới từ xa, chị sẽ gọi video trao đổi, hướng dẫn cô dâu lấy số đo. 

Vì làm việc bằng sự yêu thích nên chị Nhi tính tiền công phải chăng, giá thành tùy thuộc vào mẫu vải.

Hơn 2 năm mở tiệm, chị Nhi chưa từng bị cô dâu nào phàn nàn về chất lượng váy cưới. Họ vui vẻ cảm ơn và gửi ảnh mặc váy cưới rất đẹp cho chị.

Sống nhờ hạnh phúc của cô dâu

Chị Nhi tự nhận bản thân rất “chảnh” và nặng tính nghệ sĩ. Ngoài may váy cưới, chị không nhận may các loại trang phục khác. Những lúc ế đến mức “đuổi ruồi, ruồi không bay”, hàng xóm mang vải đến đặt may quần áo, chị cũng không nhận. 

Thậm chí, các tiệm may thường kết hợp cho thuê váy cưới, còn chị chỉ nhận may, không cho thuê. Biết chuyện, cha mẹ rầy rà nhưng chị tìm cách lảng tránh, đi tìm cảm xúc trong từng chiếc váy cưới thành phẩm.

Chính tính cách nghệ sĩ, đặt tâm huyết vào từng chiếc váy cưới, giúp chị có thêm những người bạn vốn là khách hàng. 

Chị Nhi cho biết: “Tôi không có thương hiệu riêng, chưa khẳng định được tay nghề trên thị trường váy cưới. Tuy nhiên, tôi được trả công không chỉ tiền mà còn có những câu chuyện tình yêu.

Trong số khách hàng, tôi nhớ nhất một cô dâu kết bạn trên mạng xã hội. Gần 1 năm sau khi nhận váy cưới, cô ấy nhắn tin cảm ơn tôi. 

Tôi lấy làm lạ, thắc mắc thì cô ấy kể, cách đó 1 tuần, vợ chồng cô ấy cãi nhau. Họ to tiếng đến mức đơn ly hôn cũng đã viết ra.

Lúc vào phòng dọn quần áo ra đi, cô ấy nhìn thấy chiếc váy cưới tôi may nằm trong góc nhà. Cô ôm váy cưới, nhớ lại ngày trước vợ chồng đã bất chấp tất cả để được bên nhau. 

Cô ấy ôm áo cưới vào lòng, khóc nức nở. Chồng cô đi vào, thấy cảnh đó, liền đến ôm vợ. Hai người khóc cùng nhau, xé bỏ tờ đơn ly hôn”.

Vị khách này tâm sự với chị Nhi rằng, chiếc váy cưới cực kỳ quan trọng, hơn cả một cuốn album ảnh cưới. Nhờ nó, họ bừng tỉnh, nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ đã qua. 

Một cô dâu khác chia sẻ với chị Nhi: “Tôi sẽ giữ váy cưới thật cẩn thận. Hễ đến lễ kỷ niệm ngày cưới, tôi mặc chiếc váy này, rủ chồng đi chụp ảnh. 

Nếu không còn mặc vừa, chúng tôi sẽ đặt nó cạnh bên và chụp ảnh. Chúng tôi sẽ thử xem hai đứa có thể bên nhau 60 năm, chụp chung 60 tấm ảnh hay không”.

Nghe tâm sự của khách hàng, chị Nhi hạnh phúc vô cùng, ý nghĩa mỗi câu nói đó khó diễn tả bằng lời.

Gần đây, chị Nhi thực hiện váy cưới cho cô dâu tái hôn ở tuổi U60 với giá 0 đồng. Cô dâu chính là mẹ đỡ đầu, người làm chứng trong hôn lễ của chị.

Cô dâu U60 mong muốn một chiếc váy dài đơn giản, sau này có thể cắt ngắn làm váy dự tiệc. 

“Đó không phải váy cưới”, chị Nhi thốt lên khi nghe ý tưởng của mẹ đỡ đầu. 

Chị biết bà chịu nhiều tổn thương, luôn canh cánh vô vàn nỗi sợ. Bà lo “đẹp quá, rạng rỡ quá” cũng bị người khác chê cười. Ở tuổi này, bà không còn cơ hội đẹp thêm lần nữa. Vì vậy, chị muốn bà là cô dâu xinh đẹp nhất, tuổi tác, công việc… không quan trọng. 

Thay vì váy dài đơn giản, chị Nhi may một chiếc váy cưới bằng vải ren màu trắng, kín đáo, trang nhã. Mặc chiếc váy cưới nền nã, cô dâu U60 đẹp dịu dàng, nổi bật giữa lễ đường. Bà cười rạng rỡ mà lòng chị Nhi dâng lên hạnh phúc.

anh 7 co dau u60.jpg
Cô dâu U60 trong chiếc váy cưới do chị Nhi may tặng

“Váy cưới là váy hạnh phúc. Tôi sống bằng hạnh phúc đó, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người khác hạnh phúc thì tôi cũng hạnh phúc. 

May váy cưới mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi thấy công việc này rất vui”, chị Nhi tâm sự.

Hiện, chị Nhi đã dời cửa tiệm từ ngoại ô vào trung tâm TP. Đà Lạt. Chị ước có duyên gặp gỡ, may váy cưới cho nhiều cô dâu hơn. Mỗi câu chuyện tình yêu của họ sẽ tiếp thêm động lực để chị phát triển nghề.

Ảnh: Nhân vật cung cấp