Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tạm lắng xuống, nếu có tiền nhàn rỗi, giữa những lựa chọn đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng, gửi ngân hàng… nhà đầu tư nên chọn phương án nào. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia về tài chính đầu tư đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh những vấn đề này.
Phóng viên: Hiện lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục xuống thấp, gửi tiết kiệm có vẻ không còn hấp dẫn nữa. Theo ông thì sao?
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển: Đây là kênh an toàn dành cho ba nhóm người. Thứ nhất, người chưa có kế hoạch đầu tư thì có thể gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất. Thứ hai, người không có khả năng đầu tư và số tiền không đủ đầu tư. Thứ ba, người có nhiều tiền, từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng.
Với người có tài sản vài trăm triệu đồng, lãi suất không đáng kể. Nhưng với những người có vài chục tỷ đồng trở lên, mức lãi suất từ 7-8%/năm mà rủi ro gần như bằng 0. Trong khi các kênh khác, ví dụ như mua bất động sản tăng mỗi năm 3-4%, trừ khi mua căn hộ rồi đem cho thuê thì mỗi năm kiếm thêm 3-4% nữa nhưng cũng có rủi ro không cho thuê được do dịch bệnh, mua trúng dự án ảo, dự án bị nợ xấu... Do đó, mặc dù lãi suất ngân hàng đang xuống nhưng với ba đối tượng vừa nói thì vẫn nên chọn kênh ngân hàng.
* Nhưng nhiều người đánh giá bất động sản cũng rất tiềm năng nhất là khi giá đang có xu hướng giảm?
- Chúng ta nên nhớ năm 2013 và 2014 mới chính là thời điểm “đáy” của bất động sản, giá đất nền và kể cả nhà phố chỉ có 7-8 triệu đồng/m2. Thậm chí là giá căn hộ cao cấp nhất cũng chỉ tầm 30 triệu đồng/m2 và nhiều chuyên gia nhận định giá này không thể tiêu thụ được vì người dân vẫn không đủ điều kiện mua. Đến năm 2016, giá đất nền cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng/m2, người dân vẫn không rót tiền vào đầu tư.
Thế nhưng từ năm 2016 đến nay, giá đất tăng từ 100-300%. Hiện nay những căn hộ vùng ven khu vực quận Thủ Đức, quận 9 có giá gần 50 triệu đồng/m2. Còn đất thổ cư vùng ven cũng tăng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng/m2. Có sự chênh lệch về giá quá cao. Khi gặp một đợt suy thoái, để người dân chấp nhận đầu tư lâu dài mà không lo nghĩ gì thì giá cả phải hấp dẫn.
Song đầu tư bất động sản vẫn là kênh sáng nếu nơi đó có hạ tầng tốt, giá không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ, những giấy tờ pháp lý phải công khai minh bạch. Nhưng chỉ dành cho nhà đầu tư có kinh nghiệm, hết sức chuyên nghiệp, có dòng tiền tốt và không phải vay tiền ngân hàng. Số đông còn lại thì vẫn nên quan sát, không nên nghe theo “cò đất” mà “xuống tiền” sẽ rất nguy hiểm.
* Vậy còn vàng và chứng khoán thì sao, thưa ông?
- Chứng khoán sinh lời cao thì rủi ro cũng cao nên chỉ dành cho người chuyên nghiệp. Riêng vàng, nhiều khả năng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tình hình thế giới không còn biến động mạnh, giá vàng sẽ giảm. Song, đầu tư vàng cũng rủi ro vì giá tăng giảm thất thường, phải cần có thời gian đầu tư trung và dài hạn.
Nói chung, người dân muốn đầu tư vào kênh nào thì phải tìm hiểu nghiên cứu, không chạy theo thông tin từ số đông.
* Xin cảm ơn ông.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)