Bạn còn nhớ Game Center của Apple chứ? Hay chiếc tay cầm chơi game do Amazon tự thiết kế, sản xuất và phân phối?
Chẳng ai trách được bạn nếu bạn thừa nhận đã quên mất cả hai thứ nói trên: chúng là những dự án đã bị bỏ bê từ lâu của hai công ty được xem là lớn nhất thế giới, với vô vàn các dự án khác đang được tiến hành hết sức thuận lợi.
Và họ chỉ là hai trong số nhiều cái tên sẽ được nhắc đến trong bài viết này – những công ty công nghệ với các dự án triệu đô nhưng "trượt vỏ chuối" khi bước chân vào lĩnh vực video game.
Apple với Game Center
Game Center của Apple, ra mắt năm 2010, được thiết kế để đóng vai trò như một lớp nền tảng xuyên suốt mọi tựa game của Apple. Các hệ điều hành trên Xbox và PlayStation đóng vai trò ra sao đối với các nền tảng này, thì Game Center cũng như vậy đối với các thiết bị Apple.
Nó có một hệ thống thành tựu, một danh sách bạn bè, và một vài hình thức tương tác đơn giản giữa các người chơi. Nhưng nhìn chung, mọi thứ khá hời hợt và không mang nhiều ý nghĩa, đến nỗi Apple cuối cùng quyết định từ bỏ Game Center.
Về mặt hoạt động, Game Center không có gì đáng chê trách – trừ việc tính năng của nó có phần hạn chế.
Vấn đề lớn nhất mà Game Center phải đối mặt và rồi không thể vượt qua chính là việc các nhà phát triển game cũng cố xây dựng những chức năng tương tự vào các tựa game của chính họ. Thay vì bắt buộc Game Center phải được triển khai rộng khắp ở cấp độ hệ thống xuyên suốt mọi tựa game trên App Store, Apple lại cho phép các nhà phát triển game tự quyết định có tích hợp nó vào game của họ hay không. Chính vì thế, một số game có Game Center, trong khi số khác thì bỏ qua nó.
Hơn nữa, bản thân Game Center thiếu vắng nhiều tính năng cấp độ nền tảng vốn đã trở thành chuẩn mực từ những năm 2010, như nhắn tin và voice chat. Apple cuối cùng phải loại bỏ dịch vụ này khỏi các thiết bị iOS và macOS, và đến nay vẫn chưa đưa ra giải pháp mới nào để thay thế nó.
Amazon với dự án chơi game trên Fire TV và chiếc tay cầm điều khiển game bạc mệnh
Chơi game trực tiếp trên các set-top box như Apple TV, Amazon Fire TV, hay Google Chromecast từ lâu đã là một giấc mơ hoang đường của ngành công nghệ.
Cứ mỗi một hoặc hai năm một lần, một nhà phân tích hay một nhà báo nào đó sẽ lại đưa ra dự đoán chắc nịch rằng, đó sẽ là năm mà Apple hay một số gã khổng lồ công nghệ khác thực hiện tham vọng xâm nhập lĩnh vực video game với một chiếc set-top box mà nhiều người đang đặt cạnh chiếc TV của họ.
Ấy thế nhưng, năm này qua năm nọ, ảo mộng đó chưa bao giờ được hiện thực hóa. Nhưng điều đó không có nghĩa những gã khổng lồ công nghệ chưa bao giờ thử.
Vào năm 2014, Amazon tung ra một phiên bản set-top box Fire TV mới, kèm theo một chiếc gamepad cũng hoàn toàn mới và sự hậu thuẫn đáng kể từ một số nhà phát triển game nổi tiếng. Công ty thậm chí còn tung ra tựa game do chính họ phát triển dành cho thiết bị này, có tên là "Sev Zero". Nhưng chơi game trên Fire TV chưa bao giờ phổ biến, và chỉ vài năm sau đó thôi, chiếc set-top box Fire TV đã biến mất, bị thay thế bởi một chiếc stick nhỏ gọn.
Tất nhiên, bạn vẫn có thể chơi game trên sitck Fire TV, nhưng Amazon đã từ bỏ ý định hướng thiết bị này đến bộ phận game thủ. Và công ty cũng chẳng mơ màng đến chuyện sản xuất hay bán gamepad nữa.
Lại là Amazon, với tựa game Crucible
Bạn có biết rằng Amazon, công ty lớn nhất thế giới, đã ra mắt một tựa game mới với kinh phí phát triển khá lớn trong năm nay hay không?
Tên tựa game này là Crucible, và bạn sẽ được tha thứ nếu đây là lần đầu bạn nghe về nó. Dù là game miễn phí và được đưa lên nền tảng game lớn nhất thế giới là Steam, nhưng Crucible chỉ xuất hiện chớp nhoáng rồi bị đá bay khỏi bảng xếp hạng top 100 của nền tảng này.
Vào ngày 21/5, tức một ngày sau ra mắt, Crucible có khoảng 25.000 người chơi đồng thời vào lúc đỉnh điểm. Đến ngày 22/5, tức hai ngày sau ra mắt, nó đã biến mất khỏi top 100 của Steam – vốn là danh sách các tựa game được chơi nhiều nhất trên Steam, trong đó tựa game bét nhất có khoảng 5.000 người chơi đồng thời.
Có nghĩa là gì? Một cách dễ hiểu, chỉ hai ngày sau ra mắt, lượng người chơi Crucible ở bất kỳ thời điểm nào cũng thấp hơn 5.000. Để tiện so sánh thì tựa game được chơi nhiều nhất trên Steam có trung bình khoảng 1 triệu người chơi đồng thời.
Chỉ hơn một tháng sau ra mắt, Amazon đã loại bỏ tựa game khỏi Steam. "Từ ngày mai, Crucible sẽ chuyển sang giai đoạn closed beta" – một bài viết trên blog của game nói như vậy.
Đáng chú ý là, Crucible đã được phats triển trong hơn 5 năm. Chắc chắn nó đã khiến Amazon tiêu tốn hàng chục triệu đô trong quá trình đó!
Google với dịch vụ Stadia
Sau nhiều năm phát triển và gây bão mạng, dự án xâm nhập lĩnh vực game được đồn đoán từ lâu của Google đã chính thức xuất hiện vào tháng 11 năm ngoái: Google Stadia.
Đây không phải là một máy console, cũng không phải một nền tảng game – nó là một cửa hàng số do Google điều hành, nơi bạn có thể mua game. Nó là một nền tảng mới đầy tham vọng, hướng đến mục tiêu trở thành "Netflix trên lĩnh vực game".
Tại sao lại nói Stadia đầy tham vọng? Thay tải game hay chơi game từ đĩa Blu-ray, Stadia sẽ stream game đến bạn dù bạn đang ở bất kỳ đâu, giống như Netflix stream phim và TV show vậy.
Tuy nhiên, 8 tháng trôi qua, và Stadia không nổi trội như kỳ vọng. Các chế độ đa người chơi trong các game như "Destiny 2" trở nên vô nghĩa khi chẳng ai tham gia cả, và sự hứng thú với Stadia cũng lụi tàn dần qua thời gian. Dịch vụ này chưa ra mắt trên các thiết bị iOS của Apple, và không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sắp thay đổi.
Google có vẻ chưa chịu buông tay. Gã khổng lồ công nghệ vẫn đang cần mẫn tuyển về những nhân sự cộm cán và thâu tóm nhiều công ty khác để phục vụ cho dự án game của mình. Dẫu vậy, tính đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện rõ ràng không được tốt lành cho lắm.
(Theo VnReview, BusinessInsider)
Sony và Microsoft hãy dè chừng, Apple TV đang dần trở thành một máy chơi game đúng nghĩa
Apple TV không phải PlaySation hay Xbox, nhưng với tay cầm chơi game riêng, dịch vụ Apple Arcade và sự chú ý của Apple vào ngành công nghiệp trò chơi đang bùng nổ, nó đã sẵn sàng để chuyển mình thành một game console “đích thực”.