LTS: Từ lâu, bia hơi vỉa hè đã trở thành nét văn hóa không chỉ của người Hà Nội mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều người ta thấy thân thương không chỉ ở bia hơi mà còn ở chiếc cốc thủy tinh sần sùi màu xanh đựng bia đi cùng năm tháng. Theo thời gian, nhiều loại cốc vại ra đời nhưng vẫn không thể nào thay thế được chiếc cốc thủy tinh thủ công ấy. Tuyến bài Phía sau chiếc cốc bia hơi huyền thoại giới thiệu tới độc giả một sản phẩm thủ công truyền thống cũng như chuyện đời, chuyện nghề của những người làm nên chiếc cốc uống bia được yêu thích qua 2 thế kỷ này. |
Người Hà Nội uống bia hơi là phải uống bằng chiếc cốc thuỷ tinh xù xì, phơn phớt màu xanh bạc hà, bên trong thành cốc như có bọt sủi tăm. Chiếc cốc rẻ tiền, dễ vỡ nhưng không có sản phẩm nào đẹp mắt hơn, hiện đại hơn có thể thay thế được vị trí của nó mấy chục năm nay, đặc biệt là ở các quán bia hơi vỉa hè.
Không thể thay thế
Nhiều người mạnh dạn khẳng định, trên 90% quán bia hơi Hà Nội vẫn đang dùng chiếc cốc thuỷ tinh này mỗi ngày.
Anh Nguyễn Ngọc Lân, 56 tuổi, chủ quán bia hơi có lịch sử hơn chục năm nay trên đường Hoàng Hoa Thám, gần cổng nhà máy Bia Hà Nội, xác nhận điều đó. Anh Lân khẳng định, cứ uống bia hơi là người ta sẽ nghĩ đến chiếc cốc truyền thống này, chứ không phải là cốc có quai hay cốc thuỷ tinh trắng. Nó như là văn hoá, là thói quen của người Hà Nội.
“Khi rót bia vào chiếc cốc này, lớp thuỷ tinh nhám trong lòng cốc sẽ giúp giữ lại bọt lâu hơn cốc thuỷ tinh trắng trơn. Nhìn cốc bia sẽ vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn. Cốc thuỷ tinh trắng trơn bám bọt ít và tan bọt nhanh, nhìn sẽ chỉ giống như cốc trà đá mà thôi”.
Anh Lân tiết lộ, thậm chí anh biết có quán bia còn kỳ công đặt riêng những chiếc cốc tương tự nhưng lòng cốc xù xì hơn, tăng độ nhám để giữ được nhiều bọt bia hơn. Tuy nhiên, bản thân anh cho rằng độ nhám của chiếc cốc nguyên bản là vừa phải. Nếu cốc nhám quá sẽ khó vệ sinh, dễ gây xước tay khi rửa.
Với quy mô quán nhỏ, ông chủ cho biết lúc nào quán cũng dự trữ vài trăm chiếc cốc thuỷ tinh, cứ hơn 1 tháng lại bổ sung thêm khoảng 100 chiếc mới do rơi vỡ hao mòn. “Giá cốc này mua vào chỉ khoảng 9 nghìn đồng/chiếc nhưng do làm bằng thuỷ tinh chất lượng thường, có khi sứt mẻ, vỡ, phải thay mới, tính ra cũng không rẻ hơn so với nhiều loại cốc thuỷ tinh khác. Nhưng nó như một thứ văn hoá, không thể thay thế được”.
Anh vẫn còn nhớ một kỷ niệm với chiếc cốc thuỷ tinh xanh này. Cách đây vài năm có một đoàn 4 người Mỹ vào uống bia ở quán. Một người đàn ông trong đoàn nhìn thấy chiếc cốc giản dị mà hay ho quá, đã gọi về cho bạn bè để khoe. “Tôi chẳng biết họ nói gì với nhau, nhưng có vẻ tò mò. Thế rồi họ bảo tôi bán lại cho họ 10 chiếc để mang về nước làm kỷ niệm”.
Anh Lân nói, những quán bia lâu đời và chuyên phục vụ người Hà Nội thế hệ trước như quán nhà anh, có lẽ đến 99% dùng cốc bia thuỷ tinh miệng loe, xanh phớt. Các quán hiện đại, khách ngồi phòng máy lạnh, thường dùng cốc vại trắng để uống bia lon, bia chai. Nhưng những người sành bia, đặc biệt là thế hệ trước, luôn mong được trải nghiệm cảm giác uống bia hơi bằng chiếc cốc thuỷ tinh xù xì này.
Chứa đựng ký ức
Ở một con phố lớn và sôi động khác của Hà Nội với nhiều màu sắc hiện đại hơn, ông Nguyễn Mạnh Lâm, 62 tuổi, chủ quán bia Lâm Già trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) vừa chỉ đạo nhân viên vừa chia sẻ với chúng tôi rằng, từ ngày mở quán, ông chỉ dùng chiếc cốc bia thuỷ tinh màu xanh nhạt này.
Ông Lâm hài hước nói: “Trước khi là chủ quán bia, tôi là người đi uống bia. Dùng chiếc cốc này không phải do tôi quyết định, mà do… văn hoá quyết định. Không thể nào khác…”.
Với quy mô rộng vài trăm mét, sức chứa gần 100 bàn cùng lúc, mỗi ngày tiêu thụ 12-18 bom bia, quán Lâm Già lúc nào cũng sẵn hàng nghìn chiếc cốc uống bia trên kệ. Ông Lâm khẳng định: “Tất cả quán bia hơi Hà Nội, thậm chí là nhái bia hơi Hà Nội, đều dùng cái cốc này thì mới bán được hàng. Các hàng bia chai, người ta có thể dùng chiếc cốc trắng trong, đẹp hơn. Nhưng đã là bia hơi Hà Nội thì mặc định là dùng loại cốc này”.
“Ưu điểm của nó là lòng trong cốc nhám, mặt ngoài thì có rãnh nên khi chồng lên nhau không bị dính. Dùng cốc này, bọt bia cũng bám nhiều hơn. Chỉ cần cầm cốc bia lên nhìn cảm quan đã thấy ngon rồi”.
Ông Lâm chia sẻ, ông đi nhiều nơi nhưng có lẽ cốc bia này chỉ có người Hà Nội dùng. Bia hơi thì ở đâu cũng có nhưng dùng cốc thuỷ tinh xanh thì chắc chỉ Hà Nội có. Người quen của ông sống ở TP.HCM khi ra Hà Nội còn phải mua mấy chục chiếc cốc mang vào để uống bia hơi cho đúng kiểu. Nhiều khách mua bia hơi của quán ông cũng hay đặt cọc tiền để mượn cốc mang về.
Thậm chí, ông kể, có lần khách đặt mua bia hơi lên tận Hà Giang uống, ông cũng phải giao cùng vài chục chiếc cốc… “để nó không bị kệch cỡm”. “Uống bia hơi Hà Nội mà lại uống bằng cốc trắng hay bằng bát thì nó… buồn cười. Nếu muốn phục vụ chu đáo thì mang bia phải mang theo cốc”.
Ông bảo, uống cốc nào thì bia cũng vẫn thế, nhưng cái khiến người ta cảm thấy ngon hơn là ở tinh thần, ở cảm xúc. Có khi chiếc cốc còn chứa đựng cả những ký ức, những kỷ niệm của một thời mà được uống cốc bia là xa xỉ lắm, quý giá lắm.
Kỳ tới: Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam Định