Thời tiết nắng nóng, mua một ly nước vỉa hè uống giải tỏa cơn khát là thói quen lâu nay của người dân TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chẳng mấy ai để ý đến thứ nước mình uống chứa gì trong đó, có an toàn và sạch sẽ không. Nếu ai đó quan tâm, thì cũng “nhắm mắt đưa chân”, tặc lưỡi cho qua vì không còn cách nào khác.
Bao năm nay, các nhà quản lý hầu như bất lực với vô số hàng quán đường phố và loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra cách xử lý thức ăn, đồ uống vỉa hè kém vệ sinh, không rõ nguồn gốc…
Bí ẩn “nước sâm”
Thức uống đường phố từ lâu đã trở thành quen thuộc với người dân nhất là các thành phố lớn. Trước cổng trường học, các nhà máy, khu công nghiệp và rải rác khắp vỉa hè các con đường ở TP Hồ Chí Minh, người ta bán đủ thứ nước uống. Đang vào mùa nắng nóng đỉnh điểm, những loại nước sâm, nước đắng, xi rô dâu, xi rô bạc hà... được bán chạy nhất.
Đường Dương Bá Trạc, Q.8, đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP Hồ Chí Minh những xe nước xếp lớp trên vỉa hè, với đủ loại nước khác nhau, đáng chú ý là loại sâm bổ lượng và sương sâm. Trong y học, lá cây sương sâm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả, giúp hạ đường huyết, giảm sự phóng thích của glucose từ gan, kích thích sản xuất insulin trong cơ thể.Trong lá sương sâm có chứa các chiết xuất giúp kiểm soát huyết áp. Do đó, tác dụng này là rất tốt với các đối tượng thường xuyên gặp tình trạng huyết áp không ổn định. Vấn đề chỉ là người ta pha chế nó để đưa ra thành thức uống đường phố như thế nào mà thôi.
Bà bán nước sâm tên K.M vui miệng tiết lộ với chúng tôi: “Pha được thùng nước sâm bảo đảm chất lượng để bán không phải là chuyện đơn giản. Nào là chọn nguyên liệu, cách nấu các chất làm mát như thế nào, rồi pha với đường tỉ lệ ra sao và nước pha loại nào cho phù hợp. Thế nhưng hiện nay không ít người bán nước sâm lại có cách riêng, chọn hóa chất để pha thành nước sâm đủ loại. Giá bán rẻ, đương nhiên hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Một chai nước sâm có giá 6 ngàn, mỗi ngày, bà K.M có thể bán được hơn 100 ly, chưa kể đổ mối sỉ cho các nơi khác. Bà M. nói rằng, loại lá này mọc tự nhiên ở trên rừng hoặc giữa các khu đất hoang và chỉ mùa mưa mới nở rộ. Vậy lá sâm nguyên chất lấy ở đâu ra mà nhiều thế? Ngày nào, mùa nào cũng có bán, với số lượng không giới hạn. Bà K.M thật thà cho biết, ngày nay sâm rừng quý lắm, kiếm đâu ra mà bán vỉa hè. Cánh bán nước như bà lấy sâm trồng ở ruộng, loại sâm khô mang về ngâm nước cho nở ra rồi mới vò thành nước sâm. Có được nước sâm rồi, công đoạn tiếp theo là pha trộn, chế biến hương liệu cho đậm đà. Hương liệu mà bà K.M nhắc đến ai cũng hiểu là hóa chất. “Bán hàng có tâm thì pha tỷ lệ hương liệu ít, tránh được hậu họa sức khỏe cho người dùng”, bà K.M tiết lộ.
Bán theo kiểu nhập lá sâm khô về tự làm sương sâm như bà M., chỉ là đơn lẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, đa số các hàng quán đều nhập nước uống sâm từ đại lý chuyên phân phối sẵn thành từng bịch, từng chai. Họ chỉ việc lấy về bán hưởng giá chênh lệch mà không cần phải pha chế thêm bất cứ hương liệu nào. Ông S.Q., người có thâm niên bán nước gần 10 năm tại khu vực Lotte Mart Nguyễn Thị Thập và gần trường Đại học Tôn Đức Thắng, Q.7 cho biết, ông thường nhập các loại nước ở chợ đầu mối Bình Điền, Q.8. Ngoài loại nước đóng chai, ông nhập thêm nước sâm, sâm bổ lượng và chè. Bản thân ông Q. cũng không thể biết người ta đã pha chế những gì trong bịch nước sâm, chỉ biết nó ngọt, thơm, vừa khẩu vị và bán rất chạy.
Mỗi bịch sâm, ông Q. nhập với giá 2 ngàn đồng, mang về ướp đá vào ông Q. bán giá từ 6 đến 10 ngàn đồng, tùy khách. Lợi nhuận trên 50% khiến cho người buôn như ông Q. không mấy quan tâm đến chất lượng cũng như tác hại của loại nước sâm chế biến sẵn từ một cơ sở nào đó. Theo ông Q. không ai biết được bên trong các cơ sở chế biến và cung cấp sâm với số lượng lớn kia hoạt động như nào, có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.
Như bà M. chia sẻ ở trên, nguồn sương sâm tự nhiên và nhân tạo đều khan hiếm, để sản xuất số lượng lớn thành phẩm nước sâm đưa ra thị trường hàng tấn mỗi ngày là một quy trình khép kín. Thông thường, tỷ lệ sâm nguyên chất chỉ là con số tượng trưng, để có màu xanh ngọc bích trong mỗi ly sâm người ta phải trộn dung dịch màu tương ứng và hương vị sâm thơm lừng cũng từ thứ bột thơm mà có.
Với sương sâm là thế, còn với loại sâm bổ lượng thì càng khó khăn hơn rất nhiều trong việc kiểm tra, thẩm định chất lượng. Sâm bổ lượng là một món thức uống rất quen thuộc với người Việt Nam. Vào mùa nắng, loại sâm này bán chạy như tôm tươi, mỗi xe đẩy một ngày bán hàng trăm lít là chuyện bình thường. Không chỉ ngon miệng, món ăn này còn có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhờ những vị thuốc quý như: Nhãn nhục, táo tàu, hạt sen, bo bo... Những nguyên liệu này sẽ giúp thanh nhiệt, an thần, giảm suy ngược cơ thể và giúp ngủ ngon.
Mỗi bịch sâm bổ lượng với đầy đủ chất dinh dưỡng như thế có giá bán chỉ từ 10 ngàn/bịch. Nhưng, rất ít người đặt câu hỏi: Vì sao nó lại rẻ đến thế?
Ở phần người bán, mỗi bịch sâm bổ lượng thu lời từ 4 đến 6 ngàn đồng. Mặt hàng này chủ yếu nhập từ đại lý phân phối chứ không phải người bán tự làm, bởi nó rất tốn kém và cần nhiều thời gian, nếu mua và tự nấu rồi mang bán với giá 10 ngàn/bịch thì lỗ nặng. Và như thế, chỉ khi nào người ta trực tiếp ăn thì mới chọn cách nấu.
Theo tiết lộ của dân bán sâm bổ lượng, các loại hạt sen, long nhãn, táo tàu chỉ là phần xác, được đại lý nhập từ các công ty chế biến nước ép và sữa trái cây. Những thứ này sẽ được trộn với hương liệu, nhiều nhất là đường hóa học và nước để cho ra đời loại sâm bổ lượng được quảng cáo “khỏe và bổ”.
Hệ lụy khôn lường…
Rõ ràng đồ ăn, thức uống đường phố đa dạng và phong phú, nhưng chúng ta không ai có thể biết mình đang uống thứ nước có đảm bảo an toàn hay không? Bên trong đó là cái gì? Theo bác sĩ Võ Minh Tâm, chuyên gia dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhận định, thực phẩm bẩn có thể hiểu theo hai nghĩa, một là bẩn do nhiễm vi trùng, các loại độc tố của vi trùng, hai là thực phẩm dư thừa những chất vô cơ có hại cho cơ thể như thạch tín, đồng, sắt, chì, thủy ngân hoặc những hóa chất không được phép sử dụng… Thực phẩm bẩn theo nghĩa nào cũng gây hại cho sức khỏe con người. Nếu bẩn theo nghĩa thứ nhất thì sẽ gây ói mửa, tiêu chảy, sốt…
Nếu bẩn theo nghĩa thứ hai thì có thể những kim loại nặng sẽ tích lũy nhiều ở não và gây thoái hóa thần kinh (mất trí, quên ngược chiều, bệnh liệt rung, trầm cảm…). Những chất độc hại này cũng có thể đọng lại trong gan, thận, gây ra những căn bệnh như viêm gan mãn, tiểu đường… về lâu dài sẽ gây ra suy giảm giống nòi.
Thức uống không rõ nguồn gốc hoặc loại nước ngọt đóng chai từ lâu đã được các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ cảnh báo. Hậu quả từ việc uống các loại nước ngọt khiến nhiều người phải giật mình. Năm ngoái, một bé gái 13 tuổi ở Cà Mau phải nhập viện cấp cứu sau khi uống nước ngọt trong một thời gian dài. Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, trẻ em thường được ăn uống nhiều loại thức ăn thỏa thích chứa hàm lượng đường rất cao. Nếu có nguy cơ tiềm ẩn bất dung nạp đường, trẻ có thể bị bệnh đái tháo đường mà biểu hiện ban đầu là các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hay ói mửa, đau bụng sau đó thở mệt, rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê… thường nhầm lẫn với bệnh lý khác, dẫn đến tử vong nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Mới đây nhất là trường hợp của anh T.T.V, 35 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, sau khi ngủ dậy thì đau ngực, khó thở, được gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện. Bác sĩ nhận định anh V. suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5. Đến tháng 3/2023, anh V. phù chân, tay, mặt sưng, nghĩ do tăng cân. Sau đó, anh khó tiểu, bụng phình to. Bác sĩ xét nghiệm nước tiểu và máu, ghi nhận định lượng creatinin cao gấp 12 lần bình thường, khẳng định suy thận mạn giai đoạn 5, được lọc máu 3 lần mỗi tuần.
Anh V. cho biết rất hối hận vì 10 năm qua, mỗi ngày đều uống 4-5 lon nước ngọt và nghĩ đơn giản đó thứ nước giải khát, thanh nhiệt không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Năm 2022, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã công bố thông tin khiến người tiêu dùng rất sốc. Đó là, gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh từng nói: “Việc đưa ra con số về tỉ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật là chúng tôi xác định không thể cứ mãi buông xuôi, thả nổi chất lượng. Phải lấy mẫu kiểm nghiệm, phải công bố để biết thực trạng đang ở đâu, còn giải quyết".
Lời bà Phong Lan có lẽ xuất phát từ trăn trở của người đứng đầu ngành quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm một thành phố lớn và đông đúc nhất cả nước và cũng thể hiện phần nào sự quyết tâm, nhưng để triển khai đồng bộ, từ tuyên truyền đi đến xử lý triệt để thực phẩm bẩn là câu chuyện gian nan và khó khăn. Bất cứ người tiêu dùng nào cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng đồ ăn, thức uống đường phố, nhưng họ vẫn “nhắm mắt đưa chân”, còn các nhà quản lý hầu như bất lực với vô số hàng quán, thức ăn vỉa hè kém vệ sinh cứ đua nhau mọc lên nhan nhản.
Bản chất của loại nước uống từ lá sương sâm thì tốt, nhưng khi đưa vào thị trường thức uống giải khát đường phố nó trở thành một bí ẩn về công thức chế biến.