Từ facebook chuyển qua sàn thương mại

Chị Vân Hương ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết, do công việc bận rộn, nhiều năm nay chuyện mua sắm, chợ búa chị đều thông qua hình thức online. Trong đó, chị chủ yếu là lướt facebook để chọn mua hàng, còn sàn thương mại điện tử (TMĐT) rất ít ghé thăm vì sợ giao hàng chậm.

Thế nhưng, mua nhiều nên gặp hàng kém chất lượng cũng nhiều. Thậm chí, có vài lần đặt mua trái cây, lúc nhận hàng thấy dập hỏng phản ánh lại thì bị người bán thẳng tay block. Rất bức xúc nhưng chị cũng đành chịu.

Mãi đến tháng 6 năm nay, thấy vải thiều Hải Hương và Lục Ngạn được rao bán rầm rộ trên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart, chị đặt mua thử. Vài giờ sau khi đặt đã nhận được hàng khiến chị khá bất ngờ. Chưa kể, vải thiều để trong hộp đã được cắt bỏ hết cuống rất sạch đẹp, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

“Mua online trên facebook hay tại chợ phải mua theo chùm, tỷ lệ cuống hay vải bị sâu đầu khá nhiều; còn mua trên sàn TMĐT ship vừa nhanh, hàng lại tươi rói, không bị sâu khá ưng ý”, chị nói. Sau lần đó, chị có thói quen tìm hiểu và chọn mua sản phẩm trên sàn TMĐT nhiều hơn.

{keywords}
Ngoài mua nông sản theo mùa vụ, người dân dần có thói quen mua đặc sản trên sàn TMĐT

Sàn Voso và Postmart không chỉ bán hoa quả theo mùa mà còn có đủ các loại đặc sản vùng miền. Thế nên, những ngày này, ngồi ở Hà Nội chị Vân Hương có thể chọn mua loại đặc sản như gạo dâu Lai Châu, thịt lợn ba chỉ gác bếp Bắc Kạn, hay các loại nước chấm, gia vị chuẩn vùng Tây Bắc. “Những loại đặc sản này đều là sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao có kiểm soát về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, không lo mua phải hàng trôi nổi”, chị chia sẻ.

Vì thích mua các loại đặc sản vùng miền nên chị Đoàn Ngọc Thạch ở Từ Sơn (Bắc Ninh) đã trở thành khách hàng thân thiết của sàn Voso gần một năm nay.

Theo chị Thạch, các loại đặc sản hiện nay được rao bán tràn ngập trên các mạng xã hội như facebook hay zalo, song, chị phải chịu phí ship rất cao. Phần lớn người bán đều ở Hà Nội hay những thành phố lớn, quãng đường ship hàng về nhà chị khá xa.

Chị nhớ có lần mua gói hàng giá chưa đến 100.000 đồng, tiền ship chủ hàng báo đến 60.000 đồng. Một số chủ hàng ngại ship xa còn từ chối bán.

Từ ngày biết sàn Voso, chị mua được rất nhiều loại đặc sản, ở khắp các vùng miền trên cả nước với phí ship tương đối thấp. Quan trọng hơn, những sản phẩm bán trên sàn này chất lượng luôn đảm bảo, chị cho hay.

Giờ chị bắt đầu chọn mua các loại đặc sản để gia đình sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán tới.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mùa vải năm nay, trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso, lượng vải thiều bán được lên tới gần chục ngàn tấn. Một khởi đầu như vậy đã tạo ra niềm tin về sàn TMĐT cho bà con nông dân, sau quả vải này sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán, đến cuối năm nay sẽ là hàng chục triệu.

Khách tăng mạnh, đặc sản đua nhau lên sàn

Chia sẻ về thói quen mua sắm trên sàn TMĐT, ông Chu Quang Hào - đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đánh giá, đã có sự thay đổi chóng mặt trên sàn Voso (Viettel Post) và Postmart (Vietnam Post). Điển hình là khi vải thiều được chào bán, lượng người dân lên sàn tăng đột biến.

Từ con số vài nghìn người mua bán mỗi ngày trước đây, đã tăng lên hàng trăm nghìn người. Thống kê trong 20 ngày cao điểm đầu tháng 6, các sàn đã có tới 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Đơn hàng đặt mua vải lên tới 36.000-37.000 đơn mỗi ngày, ông cho hay.

{keywords}
Năm 2021, Bộ TT&TT có kế hoạch hỗ trợ 5 triệu hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử (ảnh: N.Thọ)

Ông Phan Trọng Lê - Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu của Vietnam Post - cho biết, trung bình mỗi ngày lượng truy cập vào sàn Postmart đạt gần 10.000 lượt, tăng mạnh so với trước. Đa số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương.

Nhiều khách hàng đã dần chuyển đổi kênh mua sắm nông sản qua sàn TMĐT, không cần mua trực tiếp như trước. Nông sản đưa lên sàn đều là những sản phẩm tốt nhất của các hộ gia đình, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng hàng hóa cao và đồng đều.

Dưới sự điều phối của Bộ TT&TT, hai doanh nghiệp Vietnam Post và Viettel Post đã lên kế hoạch cụ thể và sẽ tích cực hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp ở miền Nam tiêu thụ nông sản trên sàn. Mục tiêu năm 2021 sẽ có 5 triệu hộ dân tham gia sàn TMĐT.

Song, thay vì tập trung vào các loại nông sản theo mùa vụ, các sản phẩm đặc sản vùng miền cũng được đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn TMĐT trong thời gian tới. 

Đầu tháng 10 vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyển đổi số trong nông nghiệp và đưa nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT. Theo đó, khoảng 100 sản phẩm OCOP của tỉnh này sẽ được bán trên sàn Postmart và Voso.

Mới đây, toàn bộ 76 sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên hai sàn này. Có 1.354 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo, tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ, số sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử là 1.029.

Theo Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel, Voso đã có hơn 70.000 nhà cung cấp, với 150.000 đặc sản. Trong đó, có 600 sản phẩm OCOP là các đặc sản vùng miền. Viettel Post đã ký kết hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong việc xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP vào cuối tháng 10/2020. Hiện gian hàng OCOP được đặt vị trí trung tâm, hưởng những chính sách ưu đãi tốt nhất của Voso.

Với 150 ngàn sản phẩm đặc sản, chuyên gia trong ngành ví Voso giống như một “đại siêu thị online”, không chỉ giúp người nông dân quảng bá và bán sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng thỏa sức chọn mua các mặt hàng có chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng, thông tin minh bạch.

Tâm An

Chốt 1 triệu đơn hàng, điều chưa từng có với dân đồi Bắc Giang

Chốt 1 triệu đơn hàng, điều chưa từng có với dân đồi Bắc Giang

Lần đầu vải thiều Bắc Giang được bán trên các sàn thương mại điện tử, gần 1 triệu đơn hàng đặt mua 9.000 tấn quả. Con số này vượt 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng.