Theo Công ty Chứng khoán SSI, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, tương đương tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5-16% so với cuối 2021, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ.
Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, NHNN đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.
Các ngân hàng gần đây giảm lãi suất cho vay bao gồm: Vietcombank, HDBank, ACB và Agribank.
Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các NHTM là rất lớn, bởi thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.
Tổng dư nợ tới cuối 2021 của hệ thống ngân hàng là gần 10,45 triệu tỷ đồng. Trước đó, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2022. Tuy nhiên, dư địa chỉ tiêu cũ 14% chưa lấp đầy.
Theo SSI Research, trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục được điều tiết linh động thông qua hoạt động thị trường mở. Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) được sử dụng xuyên suốt tuần trước với khối lượng trúng thầu là 45,7 nghìn tỷ đồng, trên tổng số 55 nghìn tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn phát hành duy trì ở ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu là 6%. Trong khi đó, NHNN không phát hành thêm tín phiếu.
Kết tuần trước, NHNN bơm ròng 2.100 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ OMO. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng nhẹ lên 75.000 tỷ đồng và khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức 40.000 tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động quanh 5,4% còn lãi suất các kỳ hạn dài trên hai tuần được đẩy lên trên 7%, phản ánh việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuẩn bị tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 12 sắp tới.
USD giảm nhanh
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND bất ngờ giảm mạnh.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần qua đã phát tín hiệu cho thấy việc Fed sớm thực hiện việc điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất, mặc dù thời điểm khi nào Fed ngừng tăng lãi suất là chưa rõ ràng do tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu 2%.
Nhờ vậy, công cụ của CME cho thấy có 75% khả năng Fed tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp giữa tháng 12, chỉ có 25% khả năng tiếp tục tăng mạnh 75 điểm cơ bản.
Nhờ vậy, đồng USD tiếp tục hạ nhiệt trong tuần qua, với chỉ số DXY giảm 1,4% so với tuần trước, hiện chỉ còn tăng 9,2% so với cuối năm 2021. Các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá mạnh so với USD, như JPY +3,8%, GBP +1,4%, EUR 1,4%. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở đồng tiền các quốc gia châu Á như THB +2,7%, SGD +1,9%, KRW +1,8%, TWD +1,0%,…
Thị trường trong nước tương đồng với diễn biến trên thế giới, cùng với tình trạng thanh khoản hệ thống cải thiện, tỷ giá niêm yết tại các NHTM, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng tuần qua đều được điều chỉnh giảm mạnh.
Trong đó, tính đến ngày 2/12, tỷ giá niêm yết đã giảm tới 2,4% trong vòng 1 tuần, hiện chỉ còn tăng 6,5% so với cuối năm 2021. Trước đó, NHNN đã 3 lần điều chỉnh hạ tỷ giá bán tại Sở Giao dịch trong tháng 11, về 24.840 đồng/USD. Nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục hạ tỷ giá với bước giá cao hơn.
Nhìn chung, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, FII, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân từ MSN, VPB, VCI, LTG,...