Thương yêu làm sao để người được thương yêu cảm thấy hạnh phúc, được nâng đỡ sẻ chia, được dìu dắt là điều vô cùng khó. Bởi vì chúng ta chưa hoàn thiện, còn nhiều yếu kém, khó khăn, còn tham sân si, nóng nảy, vội vàng… và trái tim chưa rộng mở. Chưa kể năng lượng của chúng ta cũng có lúc này lúc khác, trồi sụt liên tục trước biến động của đời sống. Chúng ta khó giữ được phong độ của một người lớn đang dẫn dắt đàn con thơ dại.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng ta luôn có những bất ổn sâu bên trong, những vết thương tổn từ áp lực cuộc sống, từ câu chuyện tình cảm hôn nhân gia đình. Những chuyện có thể xảy ra trong quá khứ như: bị bạo hành, thương yêu không đủ, đối xử phân biệt… đã để lại cho ta những vết thương sâu.
Đôi khi chúng ta cũng phải thừa nhận mình là nạn nhân của một hoặc nhiều thế hệ trước. Tất nhiên, từ thế hệ trước đó chúng ta cũng học được những điều tốt đẹp nhưng cũng có thể tiếp thu những yếu kém, khó khăn, hạn chế của họ, tiếp nối họ. Và từ đó, ta có khuynh hướng ứa ra những năng lượng độc hại đến người xung quanh đặc biệt là các con thơ dại gần gũi và chịu sự ảnh hưởng của mình.
Ta thừa nhận rằng ta chưa có nhiều hạnh phúc và còn lắm thương đau. Chúng ta chưa tìm thấy con đường hạnh phúc chân thực nên khó lòng có thể chỉ ra cho con mình con đường đúng đắn để đi trong cuộc đời. Chúng ta cũng thừa nhận mình chưa tạo ra được môi trường an lành cho con.
Sự hư hỏng, xuống cấp, sai lầm của con có thể vì môi trường sống của con có quá nhiều cạm bẫy, nhiều nguồn năng lượng không an lành, hủy diệt tâm hồn. Trong khi đó cha mẹ quá bận rộn, căng thẳng mệt mỏi nên không thiết kế được một hệ sinh thái tốt nhất cho con trong chính căn nhà của mình. Con thiếu sự đầm ấm, chan hòa, niềm vui thì khó có thể phát triển một cách vững chãi.
Chúng ta cũng thừa nhận rằng mình không phải là nhà giáo dục, nhà huấn luyện và chưa đi qua trường lớp nào. Ta chỉ làm theo bản năng những gì chúng ta học hỏi từ thế hệ trước, từ quan sát xung quanh và đọc thêm sách vở cách làm sao để tiếp cận và hiểu con. Nhưng có vẻ chúng ta cũng không hiểu được nhiều về những gì đang xảy ra trong tâm hồn của những đứa trẻ trong thời đại này. Bởi ta còn cách xa những đứa trẻ đó mấy chục năm.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng bản thân chưa thực sự hiểu về con hoặc hiểu rất ít. Trong sự hiểu biết hạn hẹp ấy, ta vô tình làm tổn thương con. Những mong muốn, sự kì vọng, những áp đặt và cả những phản ứng đáp trả lại những gì con làm khác đi với sự mong cầu, sự quy định của mình chính là làm tổn thương con.
Chúng ta phải thừa nhận rằng liên hệ giữa mình với con có khó khăn. Con có vẻ như ngày một cách xa cha mẹ. Có khi con muốn thoát ly gia đình thật sớm.
Dẫu biết rằng con cũng thương cha mẹ nhưng con cũng giận nhiều thứ. Con thương cha mẹ nhưng cũng không muốn ở gần cha mẹ bởi con không nhận được nhiều sự nuôi dưỡng từ cha mẹ mình. Vậy nên cha mẹ cần có những buổi tâm sự từ trái tim với con.
Cha mẹ hãy thừa nhận với con rằng mình còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa được hoàn thiện. Cha mẹ cần nói với con để con hiểu được những khó khăn, nỗi khổ niềm đau của bậc sinh thành đôi khi là quá sức. Nói để con hiểu và cảm thông và đừng trách móc, chống trả lại cha mẹ.
Thông qua đó, chúng ta hãy giúp con nhìn thấy một bức tranh tổng thể về cha mẹ. Cha mẹ dù có những hạn chế khó khăn nhưng cha mẹ cũng có rất nhiều giá trị và luôn muốn trao truyền giá trị đó cho con. Mong rằng, nếu được thì con hãy nhìn thấy cả hai điều đó. Tuyệt vời hơn nữa, con hãy chú ý vào cái hay cái đẹp, những giá trị tuyệt vời mà cha mẹ đã trao cho con. Những cái xấu, hạn chế, con hãy giúp cho cha mẹ thay đổi. Con hãy nhắc cho cha mẹ nhớ rằng cha mẹ đang đồng nhất mình vào những yếu kém đó.
Con hãy giúp cho cha mẹ thay đổi, nhắc cha mẹ nhớ, đánh thức cha mẹ khi cha mẹ có khuynh hướng thể hiện quyền muốn kiểm soát, bộc lộ cơn giận, muốn tấn công đàn áp con. Con cái nên nhớ rằng đây không phải toàn bộ con người thật của cha mẹ. Đó chỉ là một hiện tượng và cha mẹ phải có trách nhiệm quản chế nó.
Cha mẹ phải thay đổi thái độ đối xử với con. Thay vì lúc nào cũng kiêu ngạo, tự hào mình là tượng đài lớn, một tấm gương soi sáng con thì hãy khiêm nhường. Cha mẹ hãy ý thức rằng dù mình là bậc trên của con nhưng bản thân vẫn còn nhiều hạn chế, từng làm tổn thương con. Thay vì xem con là đứa trẻ phải vâng lời thì hãy xem con vẫn là một thực thể sinh động màu nhiệm không thua kém gì cha mẹ.
Ở trong con có nhiều hạt giống quý giá mà cha mẹ không có. Con cái có thể trở thành một thiên tài, nuôi dưỡng nhiều tài năng mà cha mẹ chưa chắc đã biết được. Vậy nên cha mẹ cần phải có sự tôn trọng với con, thường xuyên lắng nghe thấu hiểu con thay vì áp đặt. Hãy tiếp xúc với con với tư cách là “người bạn lớn” hơn là một bậc bề trên để dễ dàng buông ra những lời nhận xét đúng sai, để không dễ dàng trút cơn giận hay đàn áp con mình.
Khi cha mẹ thay đổi thái độ như vậy thì con cái sẽ kính trọng, tin tưởng và yêu thương cha mẹ nhiều hơn.
Khi cha mẹ ý thức được mình đã trải qua giai đoạn bất ổn, làm tổn thương con thì cha mẹ hãy quay về để chăm sóc bản thân, làm mới lại “khu vườn tâm” của mình. Trong đó cha mẹ học cách dừng lại để an trú sâu sắc trong hiện tại, để kết nối sâu với chính mình, có được sự thư giãn, bình an.
Từ đó, cha mẹ sẽ thực tập lắng nghe chính mình, lắng nghe về những nỗi khổ niềm đau, những vết thương sâu và cả những khát khao nguyện vọng của mình về con. Để rồi cha mẹ xem xét lại xem những mong cầu đó có thực sự đúng đắn, cần thiết và có phù hợ với con không. Cha mẹ phải xem con cái có suy nghĩ như vậy, có đồng ý mong cầu đó không.
Trong sự lắng nghe sâu, thấu hiểu đó, cha mẹ sẽ tập bỏ dần việc bám víu, thao túng cuộc đời con. Cha mẹ sinh ra con nhưng không có nghĩa là cha mẹ sẽ sở hữu con. Chính cha mẹ cũng mong muốn có được tự do thì cha mẹ cũng phải tôn trọng sự tự do của con cái mình.
“Không có đến cũng không có đi, không có trước cũng không có sau. Tôi giữ chặt tay của bạn". Cha mẹ sẽ giữ chặt con ở trong lòng để trân quý, nâng niu vì trong quá khứ cha mẹ từng lao ra bên ngoài để nắm bắt quá nhiều thứ, lo tranh đấu với mưu sinh mà cha mẹ đã không thường xuyên có mặt bên con. Nhưng cha mẹ sẽ thả con ra để con được trưởng thành một cách tự nhiên là chính con. Cha mẹ sẽ không can thiệp quá sâu vì cha mẹ biết con là con của trời đất, của ông bà tổ tiên chứ không chỉ là con của cha mẹ.
Con có bản sắc riêng biệt là chính con, cha mẹ chỉ là người nâng đỡ dìu dắt. Cha mẹ giác ngộ được rằng, con luôn ở trong cha mẹ và cha mẹ luôn ở trong con. Vậy nên cha mẹ không cần thiết phải bắt con suốt đời ở bên cạnh cha mẹ, không nhất thiết buộc con phải trở thành người này, làm được việc kia để cha mẹ được thỏa mãn. Cha mẹ được sống cuộc đời của cha mẹ rồi thì cũng mong con được sống cuộc đời của con thật rực rỡ.
Hãy xem cha mẹ là người bạn lớn thân thiết nhất của con thì cha mẹ sẽ có được tự do. Khi cha mẹ có được sự tự do, cha mẹ sẽ có được sự bình an, hạnh phúc, yêu thương rất ít điều kiện hoặc không điều kiện. Khi đó, chắc chắn con cái cũng sẽ hạnh phúc.
Nếu đã lỡ làm tổn thương con rồi thì cha mẹ phải buông cái tôi, hạ bản ngã, thu dẹp sự tự ái lại. Chúng ta hãy nghĩ cho con vì con đang cần được giúp đỡ. Đó là con của mình, nếu mình không giúp thì ai sẽ giúp con? Giúp con không nhất thiết là phải lao tới làm cái này cái kia, phải giảng dạy luân thường đạo lý. “Khẩu giáo” không chắc đã thành công vì con đã nghe rất nhiều. Con cần được dẫn dắt, truyền dẫn năng lượng từ phía cha mẹ.
Vậy nên cha mẹ hãy là người truyền cảm hứng cho con. Lúc này cha mẹ cần quay về để chế tác ra năng lượng bình an. Có đôi khi cha mẹ không cần làm gì, chỉ cần ngồi yên, gửi tới con năng lượng bình an, yêu thương và niềm tin. Để rồi khi con cảm nhận được điều đó, con sẽ có khả năng tự chữa lành vết thương. Khi nào con đuối sức, đưa cánh tay ra, cha mẹ hãy nắm lấy để xem con cần gì.
Đôi khi cha mẹ cần tham khảo ý kiến của con rằng cha mẹ muốn như vậy để con được lựa chọn, khuyên con thử làm theo cách của cha mẹ. Không áp đặt, không ép buộc để cho con được tự do dù là quyết định của con có sai lầm đi chăng nữa. Sự vấp ngã đó cũng là một bài học quý giá giúp con nhìn sâu bản chất của đời sống, hiểu rõ thực lực của mình hơn.
Khi cha mẹ làm tổn thương con, hãy xin lỗi con, bắt đầu hành trình thay đổi cùng con. Cha mẹ phải thay đổi thái độ của mình với con, thay đổi cách mình đang sống làm sao để sống sâu sắc, điềm tĩnh và chất lượng hơn.
Có một lúc nào đó nếu chúng ta hỏi con một câu hỏi rằng “con muốn điều gì nhất ở cha mẹ” thì có thể câu trả lời sẽ là, con chỉ muốn cha mẹ bình an, vui vẻ, không cần phải lo lắng gì cho con, không cần phải can thiệp vào cuộc đời của con. Cha mẹ chỉ cần gửi tình yêu đến con là đủ. Khi nào con kiệt sức, con sẽ quay về nương tựa nơi cha mẹ.
Nếu cha mẹ lúc nào cũng giữ được sự yên bình, an ổn thì chắc chắn con cái cũng sẽ ổn và hạnh phúc. Không cần phải lo quá nhiều cho con mà biến nó thành điều tiêu cực, làm tổn thương con cái.
Thầy Minh Niệm sinh năm 1975. Quê quán: Châu Thành, Tiền Giang. 1992: Xuất gia tại Phật học viện Huệ Nghiêm, TP.HCM. Tại đây, hấp thu tư tưởng truyền thống Phật giáo Đại thừa. 2001: Chính thức bước lên con đường thiền tập. Thực hành dòng Thiền “Hiện Pháp Lạc Trú” dưới sự truyền dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tại Pháp. 2005: Bước sang thực hành Thiền Vipassana, dòng Quán Tâm, dưới sự dẫn dắt của Thiền Sư Sao Tejaneya, tại Mỹ. 2010: Xuất bản cuốn sách đầu tay, “Hiểu về trái tim”. Được xem là một hiện tượng vì nó là cuốn sách viết về tâm lý đầu tiên của người Việt bán chạy nhất trong nhiều năm cho đến tận bây giờ, từng được bình chọn là cuốn được yêu thích nhất, được dịch sang nhiều thứ tiếng. 2011: Thực hiện hành trình “tu bụi” 3 năm, đi bộ qua 25 tiểu bang nước Mỹ. Sống một mình nơi hoang dã và làm tình nguyện viên ở các nông trại hoa màu, trung tâm trị liệu tâm lý. 2014: Trở về Việt Nam, chia sẻ phương thức trị liệu tâm lý và khai sáng tâm trí bằng thiền tập cho nhiều trường đại học, doanh nghiệp… 2016: Xuất bản cuốn sách “Làm như chơi” - cũng là cuốn sách bán chạy nhất. 2021: Khởi động dự án đào tạo chuyên gia Thiền tâm lý trị liệu tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Đây là mô hình hoàn toàn mới mẻ, mang tính đột phá, vì nó đào tạo các nhà chữa lành tâm lý bằng con đường thiền tập, chuyển hoá và khai sáng bản thân liên tục suốt 2 năm. Gần đây, Thầy và cộng đồng Miền Tỉnh Thức phát triển nhiều dự án mang tính nuôi dưỡng tâm hồn, nâng dậy tinh thần đại chúng khắp xa gần trong thời khắc lịch sử nhân loại đứng trước đại dịch Covid-19. Điển hình là các chuỗi radio “Bình yên giữa biến động”, “Nâng dậy tâm hồn”, và “Chỉ tình thương ở lại” được phát sóng trên Youtube và Spotify. |
(Trích Radio Dìu con vào đời: Ai làm tổn thương con nhiều nhất?)