Họa sĩ Pierre-Auguste Renoir nổi tiếng với các tác phẩm có vẻ đẹp thuần khiết, nét vẽ nhẹ nhàng. Đằng sau những bức tranh đó là nỗi đau kéo dài triền miên mỗi khi cầm bút vẽ của họa sĩ do bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, căn bệnh không cản trở nghệ sĩ người Pháp nỗ lực sáng tạo suốt 20 năm cuối đời.
Nghỉ học khi 13 tuổi, không có tiền mua màu vẽ
Renoir sinh ra ở Limoges, Haute-Vienne, Pháp vào năm 1841. Cha ông, Léonard, là một thợ may bình thường. Vào năm 1844, gia đình Renoir chuyển đến Paris để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Vị trí ngôi nhà của họ ở trung tâm Paris, gần với Bảo tàng Louvre. Mặc dù Renoir có năng khiếu vẽ nhưng lại bộc lộ tài năng ca hát sớm hơn.
Do hoàn cảnh của gia đình, Renoir phải nghỉ học ở tuổi 13 để đi làm tại một nhà máy sứ. Renoir thể hiện năng lực trong công việc nhưng ông thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và tìm niềm vui khi tới các phòng trưng bày của Bảo tàng Louvre.
Chủ nhà máy nhận ra tài năng của người học việc và kể lại điều này cho gia đình Renoir. Sau đó, Renoir bắt đầu ôn thi vào trường Mỹ thuật. Khi nhà máy sứ áp dụng những đổi mới, Renoir buộc phải tìm các công việc khác để có thể trang trải chi phí học hành. Ông vẽ tranh cho các nhà truyền giáo và trang trí trên quạt.
Khi 21 tuổi, Renoir vào trường Mỹ thuật ở Paris. Sau đó, Renoir tiếp tục được họa sĩ Charles Gleyre hướng dẫn. Trong những năm 1860, đôi lúc ông không có đủ tiền để mua sơn. Renoir có thành công đầu tiên năm 1868 với bức tranh Lise cầm ô (Lise with a Parasol), vẽ Lise Tréhot, người yêu của ông vào thời điểm đó.
Ông gặp và kết giao với Claude Monet, Alfred Sisley và Frederic Bazille. Nhóm bạn được đánh giá là những nghệ sĩ quan trọng nhất của trường phái Ấn tượng. Ban đầu, tranh của Renoir không được công chúng yêu thích. Nhưng theo thời gian, ông trở thành một trong những nghệ sĩ được ngưỡng mộ nhất trong thế hệ của mình cho tới tận ngày nay. Ngay cả Chính phủ Pháp cũng mua tác phẩm của ông.
Renoir chủ yếu vẽ phong cảnh và con người, mẫu tranh chính là những người bạn. Màu sắc rực rỡ và những khoảnh khắc đời thường bình dị là đặc trưng các tác phẩm của ông.
Vẽ trong đau đớn
Theo Daily Arts, câu chuyện cuộc đời của Renoir diễn ra tốt đẹp cho tới năm 1899, ông bị viêm khớp dạng thấp. Đây là căn bệnh gây ra nhiều đau đớn và viêm nhiễm ở các khớp. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị dị tật. Bàn tay của Renoir biến dạng, mỗi cử động đều rất khó khăn, đau nhức.
Trong cuốn sách Renoir, Cha tôi, con trai của họa sĩ nhớ lại phản ứng của mọi người đối với những bức tranh của Renoir sau khi nhìn thấy bàn tay của ông: “Những vị khách không biết trước chuyện đó đã không thể rời mắt khỏi dị tật của cha tôi. Dù họ không đề cập đến nhưng phản ứng của họ có thể biểu lộ bằng những câu như: "Không thể nào! Với đôi bàn tay như vậy, làm sao ông ấy có thể vẽ được những bức tranh đó? Có điều gì bí ẩn ở đây”.
Năm 1907, Renoir chuyển đến nơi có khí hậu ấm áp hơn - làng Cagnes-sur-Mer, gần bờ biển Địa Trung Hải. Renoir đã vẽ tranh trong suốt 20 năm cuối đời ngay cả khi chứng viêm khớp của ông hạn chế nghiêm trọng khả năng vận động. Có thời điểm, khớp vai phải bị cứng nên ông nhờ người đặt bút vẽ vào tay. Ông quấn băng quanh tay để ngăn ngừa kích ứng da.
Khối lượng tác phẩm khổng lồ của ông thật đáng kinh ngạc (6.000), đặc biệt khi nghĩ tới sự chịu động đau đớn của ông khi cử động cổ tay như ông từng nói: “Nỗi đau qua đi nhưng vẻ đẹp vẫn còn đó”.
Năm 1919, Renoir đến thăm Bảo tàng Louvre để xem những bức tranh của ông được treo cùng với tác phẩm của các bậc thầy. Cuối năm đó, Renoir qua đời ở Cagnes-sur-Mer ở tuổi 78.