Cho DN vay vốn rẻ là quyết sách đúng đắn
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Bình luận và phân tích về chính sách trên tại buổi Tọa đàm “Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, từ khía cạnh cộng đồng doanh nghiệp, điều này rất đúng với nhu cầu hiện nay.
“Tôi hình dung việc đúng này như là các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng này. Bởi vì hoạt động kinh doanh thì cần vốn, vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn thì chắc chắn gặp khó khăn.”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trong cả năm 2022 dòng vốn đối với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là dòng vốn từ trái phiếu là khó. Trong khi đó, những khó khăn dồn dập khác từ thị trường thế giới đến như: Đơn hàng giảm, nhiều hoạt động kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, lãi suất rất cao...
“Trong giai đoạn vừa rồi, lãi suất có giai đoạn mười mấy phần trăm, mà đối với hoạt động kinh doanh bình thường thì mười mấy % đã khó chứ chưa nói đến tích luỹ và phát triển. Chính vì thế, giải pháp hiện tại ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chúng tôi là chính sách rất trúng và rất cần thiết.”
Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ liên tục thúc ép, đưa ra thông điệp về việc cố gắng giảm mặt bằng lãi suất xuống.
Hiện, đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nhiều ngành hàng, việc có vốn để quay nhanh dòng hàng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mở mang mặt bằng, mở mang hoạt động kinh doanh cũng cần vốn. Cho nên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lí, rẻ hơn là một quyết sách đúng đắn.
“Nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - một mục tiêu quan trọng; chắc chắn ảnh hưởng đến lao động, việc làm, ảnh hưởng đến thu ngân sách, và về dài hạn thì ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp.”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.
Quan trọng là dòng tiền đi về đâu
Các chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian vừa qua được đánh giá là kịp thời với tình hình của đất nước và rất quyết liệt. Chỉ đạo này cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai từ chặt chẽ, chắc chắn đến nay sang hướng linh hoạt và có lẽ phải làm quyết liệt hơn nữa.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề quan trọng ở đây là sự hấp thụ khi phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác. Chính sách tiền tệ, tài khóa hiện nay như giãn, hoãn thuế đều để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nhưng nếu như chúng ta không có sự phối hợp với các chính sách khác như hoàn thuế VAT thì sẽ giảm hiệu quả chính sách. Sự phối hợp chính sách phải tính đến việc khơi thông rào cản, đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính.
Mặc dù lạm phát ở nước ta được kiểm soát rất tốt trong thời gian qua, song có nhận định cho rằng trong bối cảnh tình hình còn có những diễn biến phức tạp, sức ép lạm phát còn lớn, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với vấn đề kiểm soát lạm phát, cũng như liên quan tới nợ xấu và an toàn hệ thống.
Về nhận định này, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng, nhưng hiện nay bối cảnh tạo điều kiện cho chúng ta có những chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ mà về cơ bản, hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng.
“Đối với chính sách tiền tệ, câu chuyện liều lượng bao nhiêu là vừa thì hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Về lãi suất, tôi đồng ý mục tiêu của Chính phủ là lãi suất có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối nay. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi". Chúng ta còn dư địa hạ lãi suất nhưng mà tính toán con số hạ 1-1,5 điểm phần trăm có một số lý do”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở lên dễ dãi thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh. Đây là một thách thức đối với NHNN, do đó Thông tư 06 mới được NHNN ban hành có quy định NHTM giám sát chặt rủi ro như tiền vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.
“Theo tôi, vấn đề lạm phát không phải quá lớn mà là 2 vấn đề: Dòng tiền đi vào đâu và tỉ giá. Tôi xin khẳng định lại là còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất.”, TS. Võ Trí Thành nói.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước "nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản", Ngân hàng Nhà nước thông tin ngành ngân hàng đã dành 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực này. Thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Về quy mô tín dụng của chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng). Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được vay với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình. |