Đoạn clip ngắn do chị Nụ quay và đăng tải lên mạng khiến người xem xúc động.
Xúc động
Một sáng tháng Bảy, chị Nguyễn Thị Nụ (SN 1987, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) về thăm bố mẹ đẻ cách nhà riêng của mình khoảng 2km. Vốn có ý định giúp mẹ cuốc đất trồng rau nên khi đến nơi, chị đi thẳng xuống khu vực nền nhà cũ của ông bà.
Tại đây, chị bất ngờ nhìn thấy bố mình, ông Nguyễn Văn Bút (63 tuổi) đang ngồi cuốc đất trong nắng sớm. Chứng kiến cảnh người bố chỉ còn một chân ngồi trên chiếc ghế nhựa để cuốc đất, chị Nụ không kìm được xúc động, bật khóc thành tiếng.
Sau khi bình tĩnh lại, chị bí mật lấy điện thoại, ghi lại hình ảnh đầy xúc động nói trên. Chị kể: “Khoảnh khắc thấy bố ngồi trên ghế, vung từng nhát cuốc, tôi rất xúc động rồi bật khóc. Bây giờ, mỗi khi xem lại clip mình quay, tôi vẫn xúc động và sụt sùi nước mắt”.
Sau đó, tôi đăng đoạn clip lên mạng xã hội với mục đích động viên bản thân, người thân trong gia đình, bạn bè hãy sống tích cực. Bởi, bố tôi dẫu cơ thể có khiếm khuyết vẫn lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
Chị Nụ cũng không ngờ sau khi đăng tải lên mạng xã hội, đoạn clip ngắn được nhiều người yêu thích, chia sẻ, bình luận. Đặc biệt, nhiều cộng đồng mạng còn để lại bình luận, lời cám ơn vì đoạn clip đã giúp họ tự tin, mạnh mẽ, lạc quan hơn.
Ông Bút vốn là cựu chiến binh. Những năm tham gia kháng chiến, ông bị thương nhưng không quá nặng. Tuy nhiên theo năm tháng, vết thương biến thành khối u ở đầu gối chân trái. Khối u khiến ông đau nhức, đi lại khó khăn nhiều năm.
Năm 2010, do trơn trượt ông tự vấp ngã trong lúc di chuyển và bị chiếc xe máy đè trúng cái chân vốn đã có thương tật. Không thể chữa lành, các bác sĩ buộc phải cưa bỏ chân trái của ông.
Chị Nụ chia sẻ: “Biết tin bố phải cưa chân, mẹ tôi buồn lắm. Bà khóc liền nhiều đêm. Bà không chấp nhận thực tế một người đang lành lặn nay bỗng nhiên mất đi một chân, phải lắp chân giả.
Ngược lại, bố tôi rất lạc quan. Ông vui vẻ chấp nhận việc bị cưa chân và làm quen với cuộc sống của người có khiếm khuyết về cơ thể”.
Lao động để thấy mình có ích
Tinh thần lạc quan của ông Bút giúp gia đình sớm quên đi việc ông chỉ còn một cái chân. Ít lâu sau, ông được hỗ trợ lắp chân giả.
Tuy vậy, ông Bút gặp nhiều khó khăn, bất tiện khi đi chân giả trong lúc làm việc, sinh hoạt. Thế nên nhiều lúc, ông tháo bỏ chiếc chân này trong lúc làm việc đồng áng.
Thời điểm ông Bút vừa cưa chân, tập làm quen với chân giả, việc đồng áng, chăn nuôi trong nhà gần như đặt nặng lên vai mẹ chị Nụ. Tuy nhiên, năm 2018, bà gặp tai nạn dẫn đến đứt dây chằng.
Thấy vậy, ông Bút quyết định đỡ đần những phần việc nặng nhọc cho vợ. Ông lại vác cuốc ra đồng, chăm sóc vườn cà phê, đàn gia súc...
Ông tập đứng cuốc đất bằng chân giả. Tuy nhiên, việc này khó khăn, bất tiện. Mặt ruộng gồ ghề, ông thường đứng không vững. Hơn thế, việc đeo chân giả không chỉ khiến ông kém linh hoạt mà còn hầm bí, khó chịu.
Cuối cùng, ông nảy ra sáng kiến ngồi trên ghế nhựa để cuốc đất. Ngồi trên ghế, ông Bút phải dùng lực nhiều hơn. Ông cố gắng xoay trở, cuốc 4 phía xung quanh chỗ ngồi. Đến khi nào không thể với thêm để cuốc ông mới dừng lại, di chuyển đến vị trí khác.
Dẫu khó khăn, bất tiện trăm bề, chỉ trong một ngày, ông Bút vẫn cuốc xong mảnh ruộng nhỏ để vợ trồng rau. Sự lạc quan và tinh thần vươn lên của ông Bút khiến chị Nụ và người thân trong gia đình vừa cảm động vừa tự hào.
Chị nói: “Bố tôi ăn nói không khéo nhưng sống rất tình cảm, thương yêu vợ, con. Bố lạc quan và không bao giờ có tư tưởng dựa dẫm, phụ thuộc vào con cái.
Thay vào đó, ông yêu thích và tìm thấy niềm vui trong lao động. Ông nói lao động để thấy bản thân mình có ích hơn. Nghị lực và tinh thần lạc quan của bố khiến chúng tôi tự hào”.
“Mỗi khi xem lại clip bố tháo chân giả ngồi cuốc đất cho mẹ, tôi lại thêm tin yêu cuộc sống. Tôi luôn tự nhắc nhở mình là: “Bố đã có tuổi lại mang thương tật nhưng vẫn cố gắng vươn lên. Không có lý do gì mình lại không cố gắng và chùn bước trước khó khăn trong cuộc sống”, chị nói thêm.
Clip, ảnh: Nhân vật cung cấp