Theo bảng xếp hạng của US News, UCB đứng top 2 trong danh sách các trường đại học công lập tốt nhất tại Mỹ và top 22 trong bảng xếp hạng những trường đại học trên toàn quốc.
Nguyễn Uyên chia sẻ rằng, đây là 1 kết quả hạnh phúc sau 1 hành trình dài du học từ năm 15 tuổi.
“Em đã bắt đầu du học từ cấp 2 và chọn trường nội trú Stevenson vì em muốn có thể tự độc lập học tại 1 môi trường giáo dục hoàn toàn mới”. Tuy nhiên khởi đầu của Uyên không quá thuận lợi và em đã gặp phải cú sốc và các bạn xung quanh toàn người giỏi.
“Trong 2 tuần đầu tiên đi học, em không thể bắt kịp vì chương trình học từ 8h sáng đến 3h chiều, sau đó là các hoạt động thể dục thể thao. Việc sắp xếp thời gian có lẽ là điều đáng sợ nhất” Uyên nói.
Sau đó, Uyên nhanh chóng bắt nhịp vào cuộc sống của học sinh THPT tại Mỹ và nhanh chóng đạt được nhiều thành tích nổi bật. Kết quả học tập của em đạt 4,03 trong kỳ học mùa thu vừa rồi.
“Bố em nói rằng kết quả đó có thể cao hơn, nhưng em cũng khá hài lòng vì đó là cả sự cố gắng của mình” - Uyên chia sẻ.
Yêu thích ngành truyền thông, Uyên đã rải rất nhiều đơn vào các trường đại học và may mắn được Đại học California tại Berkeley xét duyệt.
Khởi điểm, để nghĩ ra chủ đề cho bài luận, Uyên đã phải viết đến 90 trang giấy về những điều cần lưu ý, từ việc ghi lại các ý tưởng cho đến việc đánh bóng lại bài viết. Trong quá trình đó, không ít lần Uyên gục ngã vì bị xé bài luận.
“Em thức nhiều hôm để viết nhưng vẫn phải chỉnh sửa, góp ý và bị phê bình, thậm chí bị thầy hướng dẫn xé bài. Lúc đó, em cũng hơi buồn, nhưng cũng rút ra được bài học rằng phải nhìn nhận nhìn nhận sâu hơn về bản thân và mở lòng hơn về bản thân trước kỳ tuyển sinh đại học” Uyên nhớ lại.
Chia sẻ về bí quyết viết luận của mình, Uyên nói rằng cần phải bắt đầu từ sớm và cô nàng đã bắt đầu động não, viết bản nháp từ kỳ nghỉ hè của năm học trước.
"Điều quan trọng hơn nữa chính là phải thành thật với bản thân, kể 1 câu chuyện độc đáo mà chỉ có chính mình trải qua để khẳng định “sự nguyên bản”. Các ý tưởng viết bài phải thật bám sát vào ngành bạn ứng tuyển, cho họ thấy mục tiêu, mục đích và động cơ cũng như những điều mình làm được" - Uyên nói.
'Mẹ là người chăm chỉ và kiên định'
Đối với bản thân, Uyên không cho mình là 1 'rich kid' như lời đồn thổi. Uyên chia sẻ rằng bản thân may mắn khi được chăm sóc bởi một người mẹ chăm chỉ và kiên định, người đã đánh đổi mọi thứ để Uyên có một cuộc sống sung túc và được tự lựa chọn con đường cho riêng mình.
“Mẹ em không biết nhiều về cách thức hoạt động của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ nhưng mẹ luôn ủng hộ và đưa ra lời khuyên cho em. Mẹ cho em cơ hội và hỗ trợ hết sức giúp em theo đuổi ước mơ của mình” - Uyên nói.
Thêm vào đó, Uyên không cảm thấy mình bị áp lực khi mẹ mình - doanh nhân Phượng Chanel là 1 nhân vật của công chúng. Uyên chia sẻ rằng, mọi người trong trường học đều cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu và không phân biệt xuất thân của gia đình. Vì vậy, cô nàng cảm thấy việc học tập của mình cũng giống như các bạn học sinh khác. Bản thân Uyên đã phải cạnh tranh quyết liệt để giành suất vào đội thể thao Varsity của trường.
“Bạn bè không đặt câu hỏi hay đưa ra nhận xét về sự nghiệp của mẹ em và đối xử bình đẳng. Tất cả đều ngồi cùng nhau trong 1 lớp học, mặc cùng 1 chiếc quần thể thao, làm cùng 1 khối lượng công việc, có quyền và những đãi ngộ như nhau”.
Doãn Hùng
Ảnh: NVCC
Cô gái ‘con nhà nông’, không IELTS và học bổng tiến sĩ bất ngờ
Chưa từng “apply” học bổng du học, không có bằng cấp tiếng Anh như IELTS hay TOEFL, Hoa không thể ngờ, hành trình tới Đức của mình lại diễn ra nhanh đến vậy.