- Con gái đi học về kể rằng, cô giáo vừa cho các bạn thảo luận về chính trị. Bọn trẻ 13 tuổi nói chuyện một cách say sưa, trình bày những gì chúng hiểu về chính trị.
Đứa thì nói về Hiến pháp nước Ý, đứa lại chê Thủ tướng Ý Matteo Renzi là đang muốn trở thành độc tài, đứa lại nói đến những scandal của cựu thủ tướng Berlusconi.
Con gái lại bảo, cô giáo tiếng Anh (một cô giáo người Ireland) rất hay đưa những câu chuyện thời sự vào bài học. Mới rồi, cô cho cả lớp nói chuyện về bầu cử Mỹ. Rồi cô hỏi bọn chúng đứa nào thích Trump, đứa nào thích Hillary Clinton và nếu đi bầu, chúng sẽ bầu cho ai.
Có bạn bảo, hãy bầu cho Trump, ông ấy rất chi là "funny"; đứa lại bảo, nó sẽ bầu cho Clinton, bởi bà ấy là người rất rắn rỏi và có nghị lực. Con gái thì nói, nó sẽ bỏ phiếu cho Clinton, vì nước Mỹ không thể có một Tổng thống kém nghiêm túc như Donald "Duck" Trump. Serafino, thằng bạn người Mỹ rất xinh xắn và có mái tóc vàng hoe thì bảo, nếu Trump trúng cử, nó sẽ sống cả đời ở Ý luôn, không trở về Mỹ nữa.
Trên thực tế, những câu chuyện chính trị trong lớp học không còn là chuyện hiếm trong giờ học của bọn trẻ. Người ta không hề coi chúng là bọn con nít và chuyện chính trị là của riêng người lớn.
Bọn trẻ đã được tạo điều kiện cho việc làm quen với chính trị và tình hình thế giới qua các giờ học trên lớp, thông qua giáo viên và các hoạt động ở trường.
Dân chủ và các khái niệm cơ bản về quyền và trách nhiệm công dân thực ra đã được khuyến khích từ việc cấp 1 chúng đã được tạo điều kiện cho việc tổ chức bầu cử lớp trưởng, với việc giáo viên không can thiệp vào việc bầu cử, mà chỉ đóng vai trò là người tổ chức sự kiện, và để cho bọn trẻ làm cương lĩnh tranh cử và vận động các bạn bỏ phiếu cho chúng.
Năm nào, vào tầm này, các cuộc bầu cử đều diễn ra. Làm lớp trưởng ở đây không hề oai, không phải là một cánh tay nối dài của cô giáo, mà là đại diện của các bạn học sinh trong lớp học trước nhà trường. Làm lớp trưởng không được định hướng là làm chức sắc, làm quan, có quyền lực, mà là để phục vụ các bạn và cô giáo.
Hồi còn học ở Singapore, mình đã được chứng kiến cảnh bạn mình, lúc ấy là Chủ tịch Hội sinh viên của Trường ĐH Công nghệ Nanyang, đã hùng biện mạnh mẽ như thế nào trong cuộc vận động các bạn bỏ phiếu cho mình, nhằm ở lại thêm một nhiệm kì nữa.
Đối thủ của bạn là một cậu rất giỏi, năng động, tài ba, nhiều sáng kiến và giàu tham vọng.
Họ mới chỉ hơn 20 tuổi, nhưng rất chững chạc. Họ tranh luận thẳng thắn và quyết liệt với nhau quanh các chủ đề liên quan đến đời sống học đường mà một người trung gian-ở đây là một giáo viên-đưa ra, hệt như Trump và Clinton mới rồi.
Cuộc đấu tay đôi của họ diễn ra cách đây đã 20 năm và mình vẫn nhớ rõ. Ông bạn mình thua điểm sau cuộc tranh luận, sau đó thua luôn trong cuộc bầu cử.
Bọn trẻ đến với cuộc sống như thế, rất thực tế, với những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống xung quanh chúng và trên thế giới được đưa vào giờ học hầu như hàng gày.
Cuộc đời sẽ dạy chúng nhiều bài học khác khi chúng lớn lên, rằng chính trị không hề đơn giản.
Nhưng chúng đã được tiếp cận với chính trị từ khi còn nhỏ, đã hiểu được dân chủ là gì, đã ý thức được một cách cơ bản về quyền và trách nhiệm của chúng trong một xã hội thu nhỏ, là nhà trường, và được tiếp tục khuyến khích để thể hiện điều ấy ở ngoài xã hội lớn hơn.
- Trương Anh Ngọc (Italia)
Bài cùng tác giả:
Đây mới là lệch lạc của giáo dục
Con gái tôi vừa hoàn thành những nét vẽ của bức tranh "Sự ra đời của thần Vệ nữ" của danh họa Sandro Botticelli, một trong những nhân vật lỗi lạc của nghệ thuật thời đầu Phục hưng.