Những kẻ buôn người tại Trung Quốc đang nhắm tới “con mồi” là người nghèo châu Á, đưa họ vào đại lục dưới danh nghĩa làm việc, nhưng thực chất là bán họ để kiếm lời bất chính.
Theo ANI, các nạn nhân hoặc bị bán cho đàn ông Trung Quốc để làm vợ, hoặc bị biến thành nô lệ tình dục trong các nhà thổ, hoặc bị ép làm các hành vi phi pháp khác.
Trong những năm gần đây, các đối tượng buôn người ở Trung Quốc không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động ở trong nước, mà còn mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ.
Gần đây, chính quyền Nepal đã bắt giữ hai công dân Trung Quốc. Những đối tượng này đã lừa 10 công dân Nepal với lời hứa giúp tìm công việc tốt, nhưng thực tế lại ép các nạn nhân làm chuyện bất hợp pháp.
Ông Sharada Prasad Chaudhary, Giám đốc Cục Điều tra Buôn người tại Nepal, cho hay “cuộc điều tra nhằm giải cứu phụ nữ và bé gái cho thấy phần lớn phụ nữ trẻ tuổi được đưa từ Nepal sang Trung Quốc làm cô dâu, nhưng lại bị ép làm gái mại dâm”.
Trước đó, vào năm 2019, cảnh sát Nepal đã bắt giữ 10 đối tượng buôn bán các em bé người Nepal với danh nghĩa đưa tới Trung Quốc để kết hôn, nhưng sau đó các nạn nhân bị ép làm giúp việc hoặc lao động tình dục. Đại sứ quán Nepal tại Trung Quốc cũng đã nhiều lần giải cứu công dân Nepal bị bán tới đại lục.
“Dù các công dân Trung Quốc đã thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa phụ nữ Nepal tới đại lục, nhưng những người này vẫn có nguy cơ cao bị lợi dụng làm nô lệ tình dục, hoặc lao động không được trả lương”, bà Anjana Shakya, Chủ tịch Liên minh Chống Buôn bán Trẻ em và Phụ nữ cho hay.
Những đối tượng buôn người thường giả danh là doanh nhân hoặc người lao động Trung Quốc làm việc cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Báo cáo cho thấy nhiều trường hợp bé gái Pakistan nhà nghèo hay là người dân tộc thiểu số bị ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Theo Viện Brookings, các đối tượng buôn người Trung Quốc giả là doanh nhân làm việc cho các công ty đã mua các bé gái Pakistan với giá từ 3.500 – 5.000 USD.
Chưa có số liệu thống kê chính thức nào từ phía Chính phủ Pakistan được công bố, nhưng theo các tổ chức phi chính phủ, 629 phụ nữ Pakistan đã bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu vào năm 2019.
Cũng trong năm 2019, Pakistan đã cáo buộc 52 công dân Trung Quốc tội buôn người. Nhưng hơn một nửa trong số này nhanh chóng được thả, hoặc được bảo lãnh, và có cơ hội trốn khỏi Pakistan.
Dù chính phủ và các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài đã nhiều lần đưa ra tuyên bố phản đối hành vi buôn người, nhưng thực tế tình trạng này vẫn tiếp diễn. Hình phạt đối với kẻ buôn người bị đánh giá còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra. Như tại Trung Quốc, đối tượng trồng các loại cây bất hợp pháp có thể phải ngồi tù 7 năm, nhưng kẻ buôn người chỉ phải nhận án 3 năm tù. Và kể từ sau năm 1997, Trung Quốc mới đưa ra hình phạt đối với tội buôn người.
Minh Thu