Cheo leo trên đỉnh một ngọn núi lửa ngừng hoạt động ở phía bắc bang Nevada, các công nhân đang chuẩn bị nổ mìn và đào hố để khai thác mỏ liti quy mô lớn đầu tiên tại Mỹ trong hơn một thập kỷ qua.
Theo New York Times, liti là thành phần thiết yếu trong sản xuất pin ôtô điện và năng lượng tái tạo. Mỏ liti này được xây dựng trên đất cho thuê của liên bang và hứa hẹn sẽ giải quyết sự phụ thuộc vào nguồn cung liti quốc tế của Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, dự án Lithium Americas này lại bị các thành viên trong bộ lạc thổ dân châu Mỹ, chủ trang trại và các nhóm bảo vệ môi trường phản đối dữ dội. Dự án dự kiến sử dụng hàng tỷ gallon nước ngầm tại khu vực. Bên cạnh đó, mỏ khai thác liti có khả năng gây ô nhiễm lên đến 300 năm và để lại hậu quả nặng nề cùng đống chất thải khổng lồ.
Xung đột vây quanh mỏ Nevada cho thấy một vấn đề căng thẳng mới: Xe điện và năng lượng tái tạo có thể không thật sự "xanh" như vẻ bề ngoài. Ông Max Wilbert, người dân sống tại khu mỏ được đề xuất nói: "Việc thổi bay một ngọn núi không hề thân thiện với môi trường, bất kể người ta đặt bao nhiêu kỳ vọng kinh tế vào nó".
Nhu cầu tăng vọt
Ngoài Nevada, các doanh nghiệp tư nhân còn đề xuất nhiều địa điểm khai thác liti khác ở California, Oregon, Tennessee, Arkansas và Bắc Carolina.
Theo Bloomberg, chỉ trong ba tháng đầu năm 2021, các công ty khai thác liti tại Mỹ đã huy động được gần 3,5 tỷ USD từ Phố Wall, gấp bảy lần khoản tiền huy động được trong 36 tháng trước đó. Điều này cho thấy một cơn sốt liti đang điên cuồng bùng nổ khi ngành sản xuất ôtô điện đang trở thành xu hướng mới.
Liti được sử dụng trong pin ôtô điện vì nhẹ, tích trữ nhiều năng lượng và có thể sạc lại nhiều lần. Các nhà phân tích ước tính nhu cầu liti sẽ tăng gấp 10 lần khi Tesla, Volkswagen, General Motors và các nhà sản xuất ôtô khác tung ra hàng loạt mẫu xe điện mới.
Các mỏ khai thác truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy hại đến môi trường, động vật và con người sống trong khu vực. Ảnh: NYT. |
Do vậy, Mỹ cần nhanh chóng tìm nguồn cung cấp liti khi các hãng ôtô điện tăng tốc sản xuất. Mặc dù Mỹ sở hữu trữ lượng liti lớn nhất thế giới, quốc gia này chỉ có duy nhất một mỏ liti quy mô lớn là mỏ Silver Peak ở Nevada. Mỏ này bắt đầu khai thác vào những năm 1960 và chỉ sản xuất 5.000 tấn/năm - ít hơn 2% nguồn cung cấp hàng năm của thế giới.
Hầu hết liti thô sử dụng trong nước Mỹ đến từ các quốc gia Mỹ Latin hoặc Australia, sau đó được xử lý và chế tạo thành pin ở Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Mỏ Lithium Americas đang xây dựng ở Nevada ước tính có lượng lithium trị giá 3,9 tỷ USD. Nhà khai thác kỳ vọng sẽ bắt đầu hoạt động khai thác vào năm tới. Cổ đông lớn nhất của mỏ là công ty Trung Quốc Ganfeng Lithium.
Tuy vậy, khai thác mỏ truyền thống là một trong những ngành kinh doanh "bẩn" nhất hiện nay. Đối với các nhà sản xuất ôtô điện và các doanh nghiệp năng lượng tái tạo, thực trạng này cũng không có mấy cải thiện.
Ông Aimee Boulanger, giám đốc điều hành tại đơn vị cung cấp dịch vụ khai thác mỏ cho BMW và Ford Motor, cho biết: "Mặc dù ý định của nó là tốt, nhu cầu năng lượng sạch mới có thể tạo ra những tác hại lớn hơn".
Ngành công nghiệp "bẩn"
Trên một sườn đồi, Edward Bartell và các nhân viên trang trại thường ra ngoài vào mỗi sáng sớm để đảm bảo đàn bò 500 con đi lang thang trên sa mạc rộng 50.000 mẫu Anh (202 km2) có đủ thức ăn. Đối mặt với dự án khai thác liti trong khu vực, nhưng chưa bao giờ gia đình ông phải đối mặt với mối đe dọa lớn như thế.
Cách trang trại của ông Bartell không xa, dự án mỏ liti Lithium Americans lớn nhất nước Mỹ đang rục rịch thành hình. Quặng khai thác sẽ có bãi đáp trực thăng, nhà máy xử lý hóa chất và các bãi chứa chất thải cùng độ sâu của mỏ lên tới 112 m.
Sản xuất các nguyên liệu thô như liti, coban và niken thường gây hại cho đất, nguồn nước, động vật hoang dã và cả con người trong khu vực.
Giống cuộc tranh giành về vàng và dầu mỏ trong quá khứ, chính phủ các nước đang tranh thủ giành lợi thế về khoáng sản để đạt được vị thế thống trị về kinh tế và công nghệ trong tương lai. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua kinh tế và công nghệ giữa các cường quốc, vấn đề môi trường thường bị quên lãng.
Điều Barbell lo lắng nhất là khu mỏ sẽ tiêu thụ hết nguồn nước của đàn gia súc. Công ty khai thác cho biết mỏ sẽ tiêu thụ 3.224 gallon nước mỗi phút (tương đường 12.204 lít/phút). Như vậy, mực nước ngầm ở khu đất mà ông Bartell đang chăn nuôi có thể giảm khoảng 3,5m.
Bên cạnh đó, nếu đạt mục tiêu sản xuất 66.000 tấn lithium cacbonat mỗi năm, mỏ này có thể khiến mạch nước ngầm nhiễm kim loại antimon và asen.
Liti được chiết xuất bằng cách trộn đất sét đào từ sườn núi với 5.800 tấn axit sulfuric mỗi ngày. Các tài liệu cho thấy toàn bộ quá trình này tạo ra 354 triệu mét khối chất thải khai thác từ quá trình xử lý axit sulfuric và có thể chứa phóng xạ uranium.
Đánh giá vào tháng 12 của Bộ Nội vụ cho thấy trong vòng đời 41 năm của mình, mỏ liti sẽ làm tổn hại đến gần 20 km2 phạm vi sinh sống của loài linh dương và gà rừng. Bên cạnh đó, mỏ sẽ phá hủy khu vực làm tổ của một giống đại bàng vàng và những loài động vật hoang dã khác.
Ông Bartell cho biết: "Thật đáng thất vọng khi mỏ liti được giới thiệu là một dự án thân thiện với môi trường, trong khi thực tế nó chỉ là một khu công nghiệp khổng lồ". Ông đã đệ đơn kiện yêu cầu ngừng hoạt động khai thác mỏ này.
"Cuộc chiến không công bằng"
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có động thái thúc đẩy chiến lược thân thiện với môi trường hơn như chiết xuất liti từ nước muối biển thay vì khai thác mỏ lộ thiên.
Người dân của bộ lạc thiểu số biểu tình bên ngoài văn phòng quản lý đất đai để phản đối dự án khai thác mỏ Lithium Americans. Ảnh: NYT. |
Trong khi đó, các công ty khai thác mỏ lại muốn tăng tốc sản xuất liti nội địa và thúc ép chính quyền đưa chương trình tài trợ 10 tỷ USD vào dự luật cơ sở hạ tầng. "Nếu Trung Quốc cắt đứt quan hệ với chúng ta, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn", ông Ben Steinberg, quan chức thuộc chính quyền Obama, đe dọa.
Tại Khu bảo tồn người da đỏ Fort McDermitt, tranh cãi về dự án thậm chí còn gay gắt hơn và dẫn đến nhiều cuộc xung đột. Mỏ Lithium Americas đề xuất thuê các thành viên trong bộ lạc làm công nhân với mức lương trung bình 62.675 USD/năm.
Mức lương này gấp đôi thu nhập bình quân đầu người trong khu vực, nhưng những thổ dân da đỏ sẽ phải trả một cái giá rất lớn về môi trường và thiên nhiên.
"Sau khi các ông làm ô nhiễm nguồn nước ở đây, chúng tôi sẽ uống cái gì trong 300 năm tới? Các ông đang nói dối!", ông Deland Hinkey, một thành viên của bộ lạc da đỏ bức xúc.
Ông Tim Crowley, phó chủ tịch Lithium Americas, cam kết công ty sẽ hoạt động có trách nhiệm với môi trường tại địa phương, ví dụ như lên kế hoạch sử dụng hơi nước từ việc đốt lưu huỳnh nóng chảy để tạo ra điện năng. Tuy vậy, người dân tại đây vẫn không tin tưởng và e ngại hoạt động khai thác mỏ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường.
"Cuộc chiến này vốn dĩ không công bằng. Suy cho cùng, đơn vị khai thác mỏ cũng chỉ là những tập đoàn tư bản lớn mà thôi", ông Maxine Redstar, thủ lĩnh của Fort McDermitt Paiute và bộ lạc Shoshone nói.
(Theo Zing)