Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt, đặc biệt thiếu kẽm thường đi đôi thiếu sắt và ngược lại. Theo nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á, bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất, điển hình là kẽm và sắt.
Trao đổi với VietNamNet, TS Bạch Quốc Khánh, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho hay khoảng 20% trẻ tới khám tại Viện này bị thiếu máu, thiếu sắt. "Nhiều trẻ, đặc biệt là trẻ ngoài 6 tháng tuổi (bắt đầu ăn dặm) vào viện khi bệnh đã nặng", TS Khánh cho hay. Ông khẳng định đây là một trong những bệnh về máu phổ biến ở nước ta.
Sắt tham gia vào quá trình sản sinh các tế bào miễn dịch Lympho T - giúp hỗ trợ chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Khi trẻ thiếu sắt, nguy cơ hệ miễn dịch suy giảm sẽ rất cao. Thiếu sắt cũng gây thiếu máu.
Trong khi đó, kẽm tương tác với các hormone tăng trưởng, làm tăng hiệu quả của vitamin D lên chuyển hóa xương. Kẽm cũng góp phần tạo hệ thống "phòng thủ" hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, chống lại bệnh nhiễm trùng. Trẻ thiếu kẽm sẽ thiểu năng tuyến sinh dục và chậm tăng trưởng.
Tại hội thảo Xu hướng bổ sung vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe, BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng, Thực phẩm TP.HCM, cho hay thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, khiến hệ miễn dịch suy yếu dần, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em.
"Đó là lý do vì sao thiếu vi chất còn được gọi là 'nạn đói tiềm ẩn' gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ", bác sĩ Diệp cho hay. Vì thế, theo vị chuyên gia, tới đây các chiến lược phải giảm thiểu tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, điển hình là kẽm và sắt.
Trẻ thiếu sắt và kẽm thường có một số biểu hiện như thèm ăn, liếm hoặc nhai các đồ không phải thực phẩm (đất, giấy, bìa cứng…); suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt; da tái, da xanh, niêm mạc nhợt; móng tay, móng chân mỏng, dễ gãy; lưỡi khô, dễ bị sưng viêm; mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, học tập thiếu tập trung, dễ cáu gắt...
Trẻ thiếu hai vi chất này cũng dễ bị rối loạn giấc ngủ, kém hấp thu, chậm tăng cân hay phát triển chiều cao, dễ mắc các bệnh về da như mẩn ngứa, dị ứng.
Để đảm bảo đủ sắt, kẽm cho trẻ, cha mẹ nên chủ động tăng cường các thực phẩm giàu kẽm và sắt như thịt bò, thịt lợn, lòng đỏ trứng, hàu, đậu đỗ, các loại rau có lá màu xanh đậm…
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, cho biết can thiệp dinh dưỡng phải áp dụng cả vòng đời, không phải đợi đến khi mắc bệnh mới bổ sung. Điều này có nghĩa là cha mẹ cần chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối và phù hợp với trẻ ngay từ khi mới ra đời, không nên để đến khi con có nguy cơ mắc rối loạn hoặc bệnh liên quan dinh dưỡng mới quan tâm.