Cách đây 7 tháng, gia đình tôi sang Canada công tác, mang theo nhiều lo lắng liệu hai con (14 và 12 tuổi) có thích nghi với cuộc sống mới, có theo kịp bạn bè khi tiếng Anh còn chưa tốt. Ngày đầu tiên, chúng tôi thật sự hoang mang khi chỉ đưa con đến cổng trường là ra về, còn con theo chân cô hướng dẫn đi xem trường, xem lớp, gặp giáo viên chủ nhiệm và các bạn.
Rồi mọi nỗi lo tan biến khi các con tỏ ra thích thú trước sự thân thiện của thầy cô và các bạn.
Tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở Canada đều được miễn học phí. Mỗi lớp chỉ có từ 20-25 học sinh. Hầu hết các em đều ăn mặc giản dị với trang phục tự nhiên nhất. Trên lớp, thầy cô giáo có nhiệm vụ hỗ trợ giảng dạy những nội dung cơ bản và tạo môi trường học tập tự do cho học sinh thoải mái trao đổi, nghiên cứu.
Không cần giỏi toàn diện
Những lớp học ở Canada ưu tiên thực hành nhiều hơn là lý thuyết. Các thầy cô luôn lắng nghe, khen ngợi, động viên và không phân biệt đối xử với bất kỳ học sinh nào khiến các con tự tin, có tư duy tích cực.
Con trai út của tôi tiếng Anh còn hạn chế nên trong các giờ viết luận, lịch sử, ngoài cô chủ nhiệm, đều có giáo viên hỗ trợ ngồi cạnh chỉ cách làm, hướng dẫn cấu trúc câu đầy kiên nhẫn. Từ chỗ không biết gì, con dần dần hiểu cách học, cách làm ở môi trường mới. Mỗi tuần 3 buổi, phòng giáo dục cử giáo viên dạy bổ trợ tiếng Anh giao tiếp nên sau nửa năm, con tiến bộ rõ rệt. Điều vui nhất là cô trò tâm tình cởi mở khiến con có động lực cố gắng.
Còn cô con gái đầu của tôi học lớp 9, xếp vào cấp 3. Mỗi học sinh đều được cấp máy tính xách tay để tiện theo bài giảng, làm và nộp bài trên hệ thống. Giáo viên luôn giảng rất tận tình, vui vẻ với học sinh. Mọi thắc mắc, câu hỏi học sinh đặt ra giáo viên đều cố gắng có thời gian để giải đáp cho đến khi học sinh cảm thấy hài lòng.
Học sinh ở Canada không cần phải giỏi toàn diện, các em trải nghiệm và khám phá ra bản thân có khả năng gì và thích làm điều gì. Tôi nghĩ đây mới là điều cần thiết của giáo dục phổ thông để chuẩn bị hướng nghiệp cho các em thanh thiếu niên khi chọn ngành học và làm trước khi vào đại học hay cao đẳng nghề.
Ở độ tuổi này, các con được rèn tính tự lập, đương đầu với mọi thử thách. Con tự nghiên cứu, hẹn lịch và gặp giáo viên hướng dẫn nhờ tư vấn các tín chỉ môn học, các kỳ ngoại khoá, thiện nguyện cho từng năm học. Mọi cuộc trao đổi của giáo viên khiến con vỡ ra nhiều điều về định hướng nghề nghiệp tương lai theo năng lực.
Cân bằng học và vui chơi
Nói không với tư tưởng “Điểm số quyết định trình độ”, Canada đánh giá cao khả năng tư duy phát triển và sáng tạo của học sinh. Thầy cô không công khai điểm các môn, thứ hạng trước lớp để bảo vệ lòng tự trọng của học sinh. Mục đích là để bảo mật thông tin cá nhân, tránh ganh đua và khuyến khích các em phấn đấu cải thiện bản thân chứ không phải cố gắng hơn người khác.
Do giáo dục cơ bản ở Canada rất thoải mái, không có nhiều bài tập về nhà nên các con ít chịu áp lực. Trong giờ học, giáo viên có thể bày hoạt động để học sinh chơi cùng nhau. Vì vậy, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên rất tốt.
Các con mỗi ngày đều háo hức đến trường. Bên cạnh đó, mỗi trường học đều có thư viện riêng. Điểm đặc biệt là học sinh có thể mượn nhiều sách một lúc và mang về nhà đọc, trong đó có nhiều sách ngoại khóa, truyện tranh, tiểu thuyết mà tất cả đều được cập nhật theo xu hướng đọc mới nhất.
Thiết bị thể thao và vui chơi ở trường học được coi là thiên đường cho trẻ em ở Canada. Mỗi trường đều có các cơ sở thể thao, phòng thể chất phù hợp cho trẻ em vui chơi. Học sinh có thể chơi bóng rổ, bóng ném, cầu lông theo khả năng từng em. Có những lúc thời tiết đẹp, thay vì thể thao, cô trò đi dạo ở công viên gần trường học.
Hàng ngày, ngoài giờ thể dục quy định, trẻ sẽ dành khoảng 1 giờ cho các hoạt động vui chơi ngoài trời sau bữa cơm trưa. Học sinh đến trường từ 9-15h30 nên sau thời gian đó, hai ngày cuối tuần và kỳ nghỉ lễ hàng tháng là lúc các con được vui chơi, vận động thể thao.
Trong vòng bán kính 3km ở từng khu dân cư đều có một công viên trong lành với các trò chơi vận động dành cho trẻ em. Các con thoải mái chạy bộ, đạp xe, chơi cầu trượt, bóng rổ, hòa mình vào thiên nhiên… Mọi công viên dù lớn, nhỏ cũng đều là các rừng cây tự nhiên không có quá nhiều sự tác động của con người.
Suốt nhiều tháng mùa đông qua, dẫu tuyết lạnh dày đặc nhưng trẻ em vẫn sinh hoạt ngoài trời rất nhiều qua các hoạt động trượt tuyết, trượt đồi, câu cá trên băng… Do đó, trẻ em ở xứ sở lá phong đều có năng khiếu thể thao và thể lực rất tốt. Cân bằng việc học và vui chơi, thể thao khiến con trẻ luôn tràn đầy sức sống, vui vẻ, hạnh phúc.
Nguyên Bách (từ Ottawa)