Câu chuyện con trai cho bố uống thuốc ngủ, trộm sổ đỏ, đánh đuổi bố ra khỏi nhà… vì tranh chấp tài sản thừa kế khiến nhiều người đau lòng.
Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự chia sẻ với VietNamNet: Không như các vụ án hình sự, những vụ tranh chấp tài sản máu không rơi nhưng nước mắt rơi…
Luật sư Hiển nhớ như in câu chuyện liên quan tới thừa kế tài sản của một vị khách đặc biệt anh đã nhận cách đây 2 năm. Hôm đó, vào một ngày cuối xuân, người đàn ông gần 90 tuổi ở Hòa Bình tìm đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn.
Mở đầu câu chuyện, ông nghẹn ngào, ánh mắt đau đớn nói về hành động của con trai mình: “Nó sai cháu nội lừa tôi uống thuốc ngủ. Khi tôi ngủ rồi chúng nó lấy trộm sổ đỏ, sổ hộ khẩu. Nó còn thuê người đến nhà dọa nạt tôi. Giờ tôi luôn sợ hãi lo lắng tới mất ăn mất ngủ. Tôi từng này tuổi không sợ chết, nhưng sợ bị con trai thuê người bắt nhốt, giam lỏng…”.
“Tôi thấy từng nếp nhăn trên khuôn mặt ông cụ run lên bần bật. Cụ đang cố kìm nén những giọt nước mắt chua xót và bất lực”, luật sư Hiển nhớ lại.
Theo lời ông cụ, “nó” chính là con trai duy nhất của gia đình. Người con đó từng là niềm tự hào lớn nhất mà vợ chồng ông dành trọn cuộc đời để nuôi dạy thành tài. Anh ta điều hành một công ty có cả trăm nhân viên, đất đai nhà cửa không thiếu. Nhưng chính anh ta đã đẩy người bố thất thập cổ lai hy của mình vào tấn bi kịch cuối đời khi sống xa vợ con.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông cụ quyết định viết di chúc. Ngôi nhà rộng gần 150m2 giữa Thủ đô ông dự định chia làm 2 phần. Một nửa dành cho người con trai duy nhất. Phần còn lại chia cho em gái và cháu (là người chăm sóc ông từ ngày ông về quê sinh sống).
Nhưng vợ chồng anh con trai kịch liệt phản đối dự định chia tài sản này của ông. Hai vợ chồng thuê giang hồ “dằn mặt” bố. Cả hai còn xúi con trai chuốc ông nội uống thuốc ngủ để trộm sổ đỏ. Họ “giam lỏng” vợ ông trong nhà không cho đi ra ngoài. Họ không từ một thủ đoạn nào để ngăn cản ông bà ký vào bản di chúc.
Làm cách nào để con trai không cướp trắng tài sản của ông? Bị lấy hết giấy tờ có ảnh hưởng gì đến việc lập và thực hiện di chúc hay không? Đó là những trăn trở lớn nhất mà người đàn ông cao tuổi tìm tới luật sư tư vấn.
“Lần đầu gặp khách hàng mà tôi muốn khóc. Nhìn cụ chào tôi rồi vất vả leo lên taxi đi về cho kịp giờ cơm tối, cho kịp thoát khỏi sự giám sát nhiều vòng cậu con trai lập nên mà tâm trạng tôi trĩu nặng. Liệu người con trai kia có khi nào hối hận về việc anh ta đang làm không? Chữ hiếu kia anh ta định giá bao nhiêu, hay chỉ đơn giản bằng căn nhà mặt phố?”, luật sư Hiển tâm sự.
Theo quy định tại điều 609, 626 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người lập di chúc có các quyền sau:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Cũng theo Bộ luật Dân sự, di chúc phải lập bằng văn bản, trừ trường hợp quy định tại điều 629. Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng hoặc không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng (tại Cơ quan công chứng) hoặc chứng thực (tại UBND cấp xã).
Như vậy, đối với trường hợp nêu trên, ông cụ có quyền để lại một phần hoặc toàn bộ tài sản cho người em gái và cháu gái là hoàn toàn hợp pháp. Hoặc có quyền truất quyền hưởng di sản của người con trai kia. Việc bị con trai lấy mất sổ đỏ thì ông cụ hoàn toàn có thể trình báo ra chính quyền địa phương và ra UBND cấp huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường) nơi đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông để xin cấp lại. Việc bị mất giấy tờ chứng minh quyền tài sản không ảnh hưởng và không làm mất đi quyền định đoạt tài sản của ông cụ theo di chúc đã lập.
NHẬT BẢN - Các nhân viên một công ty vệ sinh cẩn thận phân loại đồ vật còn lại của chủ nhà đã qua đời, cất gọn vào các hộp các tông. Rất nhiều tài sản có giá trị, nhưng không ai nhận quyền thừa kế.