15 năm sống ở Sài thành, tôi vẫn tha thiết nhớ con sông nhỏ, vườn trái cây sum sê trên mảnh đất Hậu Giang.
Thời sinh viên, Tết đến, tôi rộn ràng gói ghém hành trang, mua bánh mứt, bắt xe khách… về quê. Con trai xa nhà hơn 10 năm nhưng hễ về Tết, mẹ đều ôm tôi khóc nức nở.
Hơn 3 năm trước, tôi cưới vợ. Vợ tôi học thức, đoan trang, hòa nhã, con gái một của gia đình khá giả.
Công việc của tôi rất tốt, thu nhập ổn định, có khả năng thăng tiến. Thế nên, tôi xác định gắn bó lâu dài ở TP.HCM.
Lúc tôi thưa chuyện ở rể, bố mẹ tôi rất buồn nhưng đành chịu. Tôi hứa sẽ cố gắng làm việc, sớm mua được nhà riêng để đón bố mẹ lên sống chung.
Sau bao năm, lời hứa ấy vẫn dở dang, thậm chí về ăn Tết cùng bố mẹ, tôi cũng không làm được.
Nhà tôi ở vùng sâu vùng xa, phải đi vào bằng xuồng máy, xe ô tô đành gửi ở đường lớn. Lúc mới yêu nhau, khi được dẫn về quê, vợ tôi rất thích thú, còn nói muốn sống ở đây.
Vậy mà, năm đầu về nhà chồng ăn Tết, vợ tôi mặt nhăn mày nhó, càm ràm, than khổ. Cô ấy không chịu vào bếp, chê bếp củi, khói cay mắt. Mẹ tôi chiều con dâu, không cho đụng tay vào bất cứ việc gì.
Vợ tôi được thể chỉ nằm chơi, cắn hạt dưa. Tôi góp ý thì vợ gắt gỏng, bảo từ năm sau không về quê chồng. Cô ấy còn chê nhà tôi chật hẹp, không có máy lạnh, nước uống, thức ăn không đảm bảo vệ sinh… Tôi tức lắm nhưng cố nhịn, không muốn bố mẹ phiền lòng.
Tết năm sau, vợ tôi lấy lý do mang thai để không về quê chồng. Tôi không nghĩ vợ giận chuyện năm trước mà tin là cô ấy lo cho con.
Đến khi vợ tôi sinh, mẹ tôi lên thành phố phải ở nhà thông gia. Bà đi ra đi vào đều bị soi mói, con dâu lại không cho bế cháu. Lúc này, mẹ tôi dần nhận ra những khó khăn mà con trai đối mặt khi sống cảnh ở rể.
Tết năm tiếp theo, vợ tôi nói con còn nhỏ, không muốn về quê chồng ăn Tết. Cô ấy sợ ở quê muỗi nhiều, vệ sinh kém, xa bệnh viện…
Nhịn vợ, thương con, tôi gọi điện thoại báo bố mẹ: “Tết này, vợ chồng con lại không về được…”. Mẹ tôi chỉ ừ à qua chuyện, kêu tôi giữ gìn sức khỏe lo cho vợ con.
Năm nay, tôi quyết tâm phải về quê ăn Tết. Thế nhưng, ngày 25 Tết, vợ tôi than mệt trong người. Tôi bảo đi khám, lấy thuốc uống nhưng cô ấy không chịu.
Tôi đoán cô ấy giả vờ để tránh về quê chồng. Thế nên, tôi nói vợ không cần về, một mình tôi về thăm bố mẹ cũng được.
Vậy mà, vợ tôi giận dỗi, trách tôi bỏ vợ con lúc ốm đau. Tôi định vạch chiêu giả ốm của vợ thì bố mẹ vợ từ trên lầu bước xuống. Bố vợ nhìn tôi, rồi nói: “Con cứ về với bố mẹ. Con gái của bố thì để bố chăm”.
Tôi chết đứng, không nói thêm được câu nào. Nén nước mắt vào trong, tôi dìu vợ về phòng, nấu cháo cho cô ấy ăn.
Trong lúc chờ vợ ăn, tôi gọi điện thoại cho mẹ. Mẹ bắt máy, tôi nghẹn ngào không biết nói gì.
Xúc động, tay tôi không cầm nổi điện thoại. Tôi mở loa ngoài, đặt điện thoại xuống giường, cố lấy lại bình tĩnh.
Mẹ như hiểu khoảng lặng khó nói của con trai. Bà lên tiếng dù tôi chưa mở lời: “Tết này bận việc không về được phải không con? Không về được thì thôi, bố mẹ ở quê vẫn khỏe. Lúc nào rảnh, con đưa vợ con về chơi”.
Tôi chưa kịp trả lời thì nghe tiếng của bố bên kia đầu dây: “Sao bà không nói bà bệnh, nằm liệt giường mấy bữa nay? Bà bệnh mà còn ráng sên mứt gừng, mứt dừa chờ vợ chồng nó về ăn… Tụi nó không có về đâu mà trông với ngóng…”.
Bố tưởng tôi đã tắt máy nên thoải mái trò chuyện. Tôi nghe từng lời của bố mà nước mắt giàn dụa.
Mẹ tắt điện thoại, tôi cảm nhận hơi ấm trên vai mình. “Em thấy đỡ rồi. Vợ chồng mình đi siêu thị, em mua ít đồ về quê ăn Tết với bố mẹ”, thì ra vợ đặt tay lên vai tôi.
Tôi quay lại, ôm chầm lấy vợ. Tôi định cảm ơn thì vợ tôi lí nhí: “Em xin lỗi anh. Em đã quá ích kỷ”.
Khi viết những dòng này, tôi đang ở quê, cùng vợ canh nồi bánh tét cho mẹ. Mẹ tôi bồng cháu nội, khoe khắp xóm. Bà khen vợ tôi khéo chăm con, thằng bé kháu khỉnh đáng yêu.
Mắt tôi cay xè không phải tại khói bếp mà bởi hạnh phúc đang dâng lên, ngập tràn lồng ngực ấm…
Độc giả Minh Trung